Phát huy vai trò người có uy tín, tiêu biểu ở khu dân cư đồng bào dân tộc

Chủ nhật, 20/11/2022 17:04
(ĐCSVN) – Người có uy tín, tiêu biểu ở các khu dân cư trong đồng bào dân tộc có vai trò lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở mỗi địa phương. Họ chính là trung tâm để phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của đồng bào dân tộc nhằm thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Minh chứng này đang thể hiện rất rõ ở xã An Phú nói riêng, huyện Mỹ Đức nói chung.

 

Một góc xã An Phú hôm nay. (Ảnh: Tuấn Minh)

Vai trò của người có uy tín nhìn từ An Phú

Xã An Phú, huyện Mỹ Đức là một xã thuộc vùng bán sơn địa, nằm ở phía Tây Nam thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố 50 km. Toàn xã có 2.068 hộ với 8.676 khẩu, trong đó có 1.317 hộ với 5.897 khẩu là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người dân tộc Mường, chiếm 68%.

Được sự quan tâm hỗ trợ về mọi mặt của Thành ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ thành phố (TP) Hà Nội cùng các cấp, các ngành từ thành phố đến huyện, nhiều chương trình, dự án đã được đầu tư, các chính sách về dân tộc của Chính phủ được quan tâm triển khai, thực hiện. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn xã An Phú ngày càng được nâng cao, điều kiện về cơ sở hạ tầng, văn hoá, y tế, giáo dục, giao thông, bưu chính, viễn thông… được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm đáng kể.

Cùng với đó, đồng bào các dân tộc trong xã luôn gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động, sản xuất cũng như trong đời sống, luôn luôn gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp bản sắc văn hoá dân tộc; chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS.

Đạt được kết quả nêu trên ngoài sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị có vai trò không nhỏ của đội ngũ người có uy tín, tiêu biểu ở An Phú. Những người có uy tín có mặt hầu hết các lĩnh của đời sống xã hội, đặc biệt ở xã An Phú, nhiều người có uy tín nổi lên là những gương điển hình người dân tộc làm kinh tế giỏi, những người không chỉ biết làm giàu cho chính bản thân và gia đình, mà còn giúp đỡ bà con trong bản làng thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Họ còn là những người rất năng nổ trong công tác xã hội, giành nhiều thời gian và công sức lo cho công việc của cộng đồng. Đây chính là lớp người tiêu biểu mới, được cộng đồng coi trọng và là tấm gương sáng cho mọi người học hỏi, noi theo. Một số nơi người có uy tín, tiêu biểu còn là những vị chức sắc tôn giáo, các nhà tu hành. Tiếng nói của họ có ảnh hưởng rất lớn đối với cộng đồng.

Bà Mai Thị Chuyển, người uy tín vùng đồng bào dân tộc thôn Rộc Éo, xã An Phú cho biết, những năm vừa qua, huyện Mỹ Đức và thành phố Hà Nội luôn quan tâm triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua các chương trình, dự án giảm nghèo, người Mường ở xã An Phú đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Hiện nay, trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng nhiều công trình thiết yếu, như: Điện, đường, trường, trạm… Nhờ đó, người Mường ở xã An Phú được tiếp cận thông tin, hưởng thụ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; trẻ em được đến trường; các tệ nạn xã hội giảm dần, an ninh trật tự cơ bản được giữ vững; đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố... “Tôi tự hào trước sự phát triển của quê hương, đất nước. Tôi sẽ cùng với chính quyền thôn, xã tích cực tuyên truyền, vận động bà con đoàn kết, phát triển kinh tế để vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình” – bà Chuyển chia sẻ.

Bà Mai Thị Chuyển, người uy tín vùng đồng bào dân tộc thôn Rộc Éo, xã An Phú. 

Đa dạng các hình thức phát huy vai trò người có uy tín

Có thể nói, có được kết quả đó là nhờ những năm qua, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến chế độ, chính sách dành cho người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Mới đây nhất, Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND của HĐND TP đã được ban hành và dần đi vào cuộc sống. Từ tháng 1/2022, bà Nguyễn Thị Huê, người có uy tín thôn Gốc Báng, xã An Phú, huyện Mỹ Đức đã được nhận thêm khoản hỗ trợ bằng tiền theo Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND của HĐND TP. Mức hỗ trợ hàng tháng bằng 50% mức lương cơ sở/người/tháng, tương ứng với 745.000 đồng. Tại xã An Phú, ngoài bà Nguyễn Thị Huê còn có 12 người có uy tín khác cũng được hưởng chế độ, chính sách của Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND. “Số tiền dù không quá nhiều, nhưng giúp những người có uy tín như chúng tôi cảm thấy ấm lòng vì được thành phố quan tâm, chia sẻ…” - bà Nguyễn Thị Huê bộc bạch.

Theo ông Mai Văn Thể, Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Mỹ Đức, để phát huy vai trò của người có uy tín, từ những kinh nghiệm thực tiễn đẩy mạnh việc phát huy vai trò người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng ở khu dân cư ở An Phú nói riêng và huyện Mỹ Đức nói chung, TP Hà Nội và các cơ quan liên quan cần xây dựng tiêu chí người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc ở mỗi địa phương trên cơ sở các tiêu chí như: Được cộng đồng suy tôn có năng lực, kinh nghiệm tập hợp quần chúng, bản thân và gia đình gương mẫu, biết chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tập thể và nhân dân; là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể các cấp trong việc tuyên truyền, vận động tổ chức đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Tham gia phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cùng với đó, phải có kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ người có uy tín, tiêu biểu thông qua việc cung cấp thông tin về tình hình thời sự chính trị, kinh tế - xã hội ở địa phương, về âm mưu, thủ đoạn hoạt động của thế lực thù địch và các phần tử xấu lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để chống phá cách mạng để họ hiểu và tự giác tuyên truyền, giải thích cho quần chúng.

Ông Mai Văn Thể cũng đề nghị định kỳ MTTQ các cấp tổ chức gặp mặt người có uy tín, tiêu biểu để thống nhất những nội dung tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, phát luật của nhà nước và nhiệm vụ của địa phương về phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, trật tự an xã hội, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Mặt khác, căn cứ vào hoạt động thực tế của người có uy tín, tiêu biểu ở địa phương cần kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng; tổ chức cho họ đi thăm quan các di tích lịch sử văn hóa, các công trình lớn của đất nước qua đó phát huy vai trò tích cực của họ trong công tác tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc tích cực tham gia vào phong trào xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Thường xuyên thăm hỏi tặng quà người có uy tín, tiêu biểu nhân ngày lễ, tết, ốm đau, cứu trợ khi khó khăn, khen thưởng về vật chất, tinh thần khi có thành tích trong dịp tổng kết các phong trào thi đua yêu nước…

“Quá trình vận động người có uy tín, tiêu biểu phải đặc biệt chú ý đến công tác bảo vệ bản thân, gia đình họ, không để các phần tử xấu tác động, đe dọa. Đối với người nhất thời có việc làm tiêu cực cần phải gần gũi đối thoại, kiên trì vận động, phát huy mặt tích cực, hạn chế tiêu cực, tránh định kiến, ứng xử thô bạo, gây bức xúc dẫn họ đến nghi ngờ, xã lánh hoặc đối lập với chính quyền và Mặt trận” – Ông Mai văn Thể nói.

Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Mỹ Đức cũng đề xuất Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp có đồng bào dân tộc sinh sống cần xây dựng kế hoạch cụ thể để phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, định kỳ hàng năm tổ chức hội nghị biểu dương nhằm phát huy tốt vai trò của người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc…/.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực