Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên hơn 313,6 nghìn ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh; dân số hơn 192,2 nghìn người, trong đó, DTTS gần 95 nghìn người, chiếm 13,3% dân số toàn tỉnh.
Thực hiện Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong giai đoạn 1 (2021 - 2025) kế hoạch ngân sách Trung ương bố trí cho tỉnh Quảng Trị gần 1.479 tỉ đồng để thực hiện 6 dự án: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư những nơi cần thiết; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi, các đơn vị sự nghiệp công lĩnh vực dân tộc; Phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; Truyền thông, tuyên truyền vận động trong vùng đồng bào DTTS, miền núi. Kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình.
|
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Quảng Trị trước nhiều cơ hội thay đổi. Ảnh: baodantoc.vn |
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Quảng Trị ưu tiên dành nhiều cơ chế, nguồn lực tập trung cho đồng bào DTTS nên cơ sở hạ tầng các xã miền núi từng bước được đầu tư cải thiện, chính sách an sinh xã hội đảm bảo, chương trình giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao hơn trước.
Toàn vùng có 100% xã, thôn, bản có điện lưới quốc gia với 98,7% hộ sử dụng điện; 100% xã được phủ sóng truyền hình; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã; 77% thôn, bản có đường giao thông được cứng hóa đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã có trường tiểu học, 75% số xã có trường THCS; tỉ lệ học sinh DTTS đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 95%, bậc THCS đạt 96%; tỉ lệ nghèo trong vùng giai đoạn 2016-2020 giảm từ 41,65% xuống 25,05%.
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh, đời sống của người DTTS vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2022, tỉ lệ nghèo vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị là 49,51% (áp dụng chuẩn nghèo mới theo Nghị định 07/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ), cao hơn nhiều so với tỉ lệ hộ nghèo chung của tỉnh là 10,44%.
Sản xuất hàng hóa có quy mô nhỏ, manh mún với đơn vị sản xuất chính vẫn là hộ gia đình; chưa xây dựng được các chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả; chất lượng môi trường có xu hướng giảm đi kèm với quá trình biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển bền vững.
Khả năng phát triển bằng nội lực của người DTTS còn hạn chế; một số tập quán văn hóa truyền thống đang có nguy cơ bị xói mòn trong khi có những tệ nạn mới như ma túy có xu hướng diễn biến phức tạp trong cộng đồng.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, HĐND tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn cho các đơn vị, địa phương và quy định về cơ chế huy động, lồng ghép vốn trong thực hiện chương trình; UBND tỉnh và UBND các huyện ban hành kế hoạch thực hiện, kế hoạch bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương 5 năm giai đoạn 2021-2025 và năm 2022; quyết định phân bổ kinh phí sự nghiệp năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi; thành lập, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, thực thi.
Tuy nhiên, so với 2 chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện là giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới thì đây là chương trình mới, có nhiều hoạt động, dự án hỗ trợ cộng đồng trong khi văn bản hướng dẫn của bộ, ngành trung ương chưa thống nhất, cụ thể; phân bổ vốn của trung ương chậm so với kế hoạch vì thế các địa phương gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi triển khai thực hiện.
Tỉnh Quảng Trị xác định, để phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi vừa là nhiệm vụ trước mắt vừa mang tính chiến lược lâu dài nên các địa phương cần rà soát, nghiên cứu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững chứ không nên chạy đua dự án để giải tỏa áp lực giải ngân vốn đã bố trí.
Nguồn vốn cần được ưu tiên cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS khó khăn nhất với quy trình áp dụng thống nhất trong các dự án, tiểu dự án của chương trình để không trùng lắp giữa các hoạt động, nội dung đầu tư cũng như đối tượng thụ hưởng.
|
Người dân thôn Amor, xã A xing, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được hỗ trợ nước sạch. Ảnh: ĐT |
Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS. Cần đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố QP-AN.
Mới đây, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo về thực hiện và giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi khu vực Bắc miền Trung tại tỉnh Quảng Trị nhằm thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời nâng cao nhận thức, tập hợp và phát huy sức mạnh toàn dân thông qua vai trò trung tâm của mặt trận để chung tay, góp sức thực hiện chương trình.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nội dung các văn bản liên quan chương trình, mặt trận các cấp cần phối hợp chính quyền địa phương nắm bắt các dự án đầu tư trên địa bàn để chủ động xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức giám sát ngay từ khi bắt đầu triển khai; cần lựa chọn nội dung giám sát phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và tiến độ đầu tư.
Chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chương trình giám sát, phản biện xã hội phù hợp với chức năng và điều kiện thực tế tại địa phương, trong đó chú trọng phát huy vai trò giám sát của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng trong quá trình thực hiện các dự án phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi ở các địa phương./.