Tạo "đòn bẩy" phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN

Thứ sáu, 15/09/2023 17:23
(ĐCSVN) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đã được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện với nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của đồng bào DTTS.

Thái Nguyên: Thay đổi diện mạo vùng DTTS&MN

Trong những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, sự chung sức đồng lòng quyết tâm của toàn thể Nhân dân, việc thực hiện các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng đem lại hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần đồng bào DTTS được nâng cao. 

Đường lên xóm người Mông Bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). Ảnh minh họa. Ảnh: Quỳnh Trang  

Các chương trình, chính sách dân tộc được triển khai, thực hiện đồng bộ, sâu rộng qua đó phát huy được hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng, từng bước làm thay đổi diện mạo vùng DTTS&MN. Đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ làm nhà ở cho 214 hộ, giải ngân tổng kinh phí 8.540 triệu đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 513 hộ, với kinh phí 406,8 triệu đồng; đầu tư xây dựng 12 công trình nước sinh hoạt tập trung với kinh phí gần 12,3 tỷ đồng; đầu tư khởi công mới 222 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu tại 13 xã khu vực III, xã có xóm đặc biệt khó khăn, xã chưa đạt chuẩn nông mới, chưa hoàn thành Chương trình 135; duy tu, bảo dưỡng 64 công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư từ những năm trước trên địa bàn 13 xã.

Ngoài ra, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh, thực hiện mua sắm trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy và học tập cho học sinh DTTS; chuẩn hóa kỹ năng lao động và kết nối hiệu quả đào tạo và giải quyết việc làm, các đơn vị, địa phương đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 885 người; cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm cho 512 người lao động, trong đó kết nối việc làm thành công cho 95 người.

Đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí cho huyện Định Hóa triển khai thực hiện. Trong đó, đã hỗ trợ xây dựng 4 nhà văn hóa tại 4 xóm đặc biệt khó khăn thuộc các xã chưa về đích nông thôn mới, hiện nay các công trình đã hoàn thành theo đúng tiến độ và giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao; hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu, đầu tư bảo tồn làng, bản truyền thống tiêu biểu của các DTTS.

Đối với công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, ngành Y tế tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức 50 buổi truyền thông với 3.980 người tham dự tuyên truyền cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi của cộng đồng người DTTS trong việc thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh; triển khai Dự án thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em tại 14 xã đặc biệt khó khăn, 13 xã ATK chưa đạt chuẩn nông thôn mới…

Gia Lai: 23/25 chỉ tiêu đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra

Từ triển khai đến nay, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 tại Gia Lai được triển khai thực hiện đã đạt những kết quả bước đầu đáng phấn khởi.

 Để giúp đồng bào thiểu số nghèo ổn định cuộc sống, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều chương trình giúp bà con phát triển kinh tế. Ảnh: T.L
 

Ông Kpă Đô, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết: Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước với nhiều nội dung thành phần có ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực; trong đó ưu tiên đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, hộ DTTS nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống trong vùng đồng bào DTTS.

Để hiện thực hóa mục tiêu chương trình, tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo, tổ chức bộ máy chỉ đạo thực hiện chương trình ở 3 cấp; chủ động ban hành cơ chế, quy định, hướng dẫn để quản lý, tổ chức thực hiện. Quá trình thực hiện chú trọng tính hiệu quả, không chạy theo thành tích, đặc biệt là nêu cao vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng trong tất cả các khâu. Năm 2022, tỉnh đề ra 25 chỉ tiêu thực hiện và đến thời điểm này đã có 23/25 chỉ tiêu đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra.

Năm 2023, tổng vốn thực hiện trên địa bàn tỉnh được phê duyệt là hơn 1.011 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương hơn 777 tỷ đồng. Theo ông Kpă Đô, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tổ chức tập huấn về năng lực cộng đồng thuộc tiểu dự án 4 của dự án 5 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS để bà con tiếp cận được nguồn vốn; đồng thời, nguồn lực sẽ phân bổ đầu tư tập trung cho vùng sâu, vùng xa để bà con DTTS ổn định đời sống và phát triển kinh tế.

Thừa Thiên Huế: Tích cực hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua tỉnh Thừa Thiên Huế luôn ưu tiên, tập trung các nguồn lực và thực hiện nhiều chính sách, các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trong đó có Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 một cách hiệu quả, từng bước giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Hồ Xuân Trăng - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong những năm qua, với sự chỉ đạo, quan tâm và hỗ trợ kịp thời của các cấp ủy, chính quyền các cấp, kết quả thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đem lại nhiều hiệu quả, giúp người dân ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi được đầu tư xây dựng cơ bản, nhiều công trình giao thông, công trình nước sinh hoạt, công trình thủy lợi và một số công trình khác được xây dựng. Nhiều hộ được hỗ trợ đất sản xuất, hoàn thành 7 công trình định canh định cư và khởi công xây mới 6 hạng mục công trình thuộc các điểm định canh định cư. Từ đó, tạo mọi điều kiện tốt nhất giúp người dân vùng đồng bào DTTS&MN vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Diện mạo huyện miền núi A Lưới, Thừa Thiên Huế ngày nay. Ảnh: Nguyễn Tuấn 

Theo kế hoạch, năm 2023 tổng nguồn vốn tỉnh Thừa Thiên Huế được phân bổ ngân sách Trung ương và địa phương là hơn 263 tỷ đồng để triển khai trên 10 Dự án thuộc Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thông qua Nghị quyết định mức hỗ trợ nhà ở cho đối tượng được thụ hưởng theo Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Theo đó, hơn 2.000 hộ dân thuộc các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc và thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) sẽ được hỗ trợ nhà ở trong Dự án 1 Chương trình MTQG về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Nghị quyết này cũng quy định, mỗi hộ dân sẽ được nhận mức hỗ trợ 60 triệu đồng để xây nhà 3 cứng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng và nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động đóng góp hợp pháp khác hỗ trợ 20 triệu đồng.

Quảng Ngãi: Tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu 

Tại Quảng Ngãi, sau gần 3 năm thực hiện Chương trình, tổng kế hoạch vốn đã giải ngân là 347,3 tỷ đồng, đạt 32,45% kế hoạch vốn giao và cao hơn mức bình quân chung của cả nước (18,54%). Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc tại hội nghị toàn quốc sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Quảng Ngãi nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn Chương trình (giai đoạn 2021 - 2023) cao nhất cả nước.

Thông qua Chương trình, 10 công trình cấp nước sinh hoạt đã đến với người dân vùng khó, 33 công trình cấp nước sinh hoạt đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, đạt hơn 70% khối lượng. Cùng với đó, 169 công trình giao thông, 19 công trình thủy lợi, 8 công trình điện, 4 công trình chợ, 14 công trình trường, lớp học... tại các địa phương, chủ yếu là miền núi, được xây dựng, nâng cấp, sửa chữa. Không chỉ tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu, Chương trình còn thực hiện nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần liên quan đến sinh kế cho người dân. Trong 2 năm (2022 - 2023), tỉnh phân bổ gần 113 tỷ đồng thực hiện tiểu dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Riêng huyện Trà Bồng được giao gần 23 tỷ đồng triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý...

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trần Văn Mẫn, Chương trình rất đa dạng về nội dung, hình thức triển khai thực hiện, với 10 dự án, 14 tiểu dự án và  các nội dung thành phần. Chương trình triển khai từ cuối năm 2021, nhưng đến giữa năm 2022, sau khi được trung ương bố trí vốn, tỉnh mới có kinh phí thực hiện. Trong khi đó, có một số nội dung lần đầu thực hiện, văn bản hướng dẫn của bộ, ngành trung ương chưa kịp thời, chưa rõ ràng, thiếu sự đồng bộ giữa các văn bản, dẫn đến sự lúng túng trong tổ chức thực hiện. Tuy vậy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác triển khai, thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh đã đạt một số kết quả nhất định. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 xuống còn 30,27%./.

Phương Linh (th)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực