Thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ hai, 28/08/2023 08:25
(ĐCSVN) - Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vấn đề bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã đạt được những kết quả tích cực, được bạn bè quốc tế ghi nhận, góp phần bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Tuyên truyền công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình vùng dân tộc thiểu số.  

Vào cuộc đồng bộ

Luật Bình đẳng giới (năm 2006) của Việt Nam nêu rõ: Mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Bình đẳng giới được coi là một trong những tiêu chí quan trọng trong phát triển bền vững. Chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn cầu đến năm 2030 của Liên hợp quốc (tháng 9/2015) đã đưa ra tiêu chí của sự phát triển bền vững là đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Quyết định số 622/QĐ-TTg, ngày 10/5/2017, của Thủ tưởng Chính phủ, “Về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” đã đề ra các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam, trong đó có mục tiêu: “Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái”.

Mục tiêu bình đẳng giới vì sự phát triển bền vững của cả nước chỉ có thể đạt được khi từng khu vực, từng địa phương đạt được, trong đó, bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS có vai trò quan trọng.

Triển khai thực hiện bình đẳng giới, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến việc thực hiện bình đẳng giới, như Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững…

Đáng chú ý, cùng với những chủ trương, chính sách thúc đẩy bình đẳng giới nói chung, Việt Nam cũng đã quan tâm ngày càng nhiều đến việc thực hiện bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS. Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020”; Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015”; Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới”; Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025”,… đã tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, đề án, chính sách được giao quản lý hoặc chủ trì triển khai thực hiện có nội dung liên quan giới, bình đẳng giới vùng DTTS và miền núi như: Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2025” (Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015); Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025” (Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017)…

Từ năm 2022, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025 được triển khai thực hiện. Chương trình gồm 10 dự án, trong đó có dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” và Tiểu dự án 9.2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Những chuyển biên tích cực

Với sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị cùng với những thành tựu đáng kể trong sự phát triển về phát triển kinh tế-xã hội của cả nước nói chung, vùng đồng bào DTTS nói riêng đã tạo ra những tác động tích cực cho công tác bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS và cũng tạo ra những chuyển biến nhất định từ kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Theo đó, phụ nữ DTTS tham gia ngày càng nhiều vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; có việc làm, thu nhập và ngày càng độc lập, tự chủ hơn về kinh tế; tham gia các hoạt động xã hội ngày càng nhiều hơn; được chăm sóc sức khỏe; thụ hưởng những giá trị văn hóa, tinh thần; có quyền tự chủ hơn trong quyết định học tập nâng cao trình độ, kết hôn, sinh con,…

Đáng chú ý, tỷ lệ phụ nữ DTTS tham gia hoạt động chính trị, đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo ở các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và hệ thống chính trị của đất nước ngày càng tăng. Chỉ tính riêng Quốc hội khóa XIV có 133 nữ đại biểu thì 41 nữ đại biểu là người DTTS. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là người DTTS đã tăng rõ rệt qua từng khóa. Khóa IX có 4,5% thì đến khóa XIV có 8,3% và khóa XV là lên 8,8%, gần tương đương với số đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số là nam giới.

Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, vai trò của đội ngũ cán bộ người DTTS nói chung và cán bộ nữ DTTS nói riêng là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng DTTS, vùng miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Vì thế, đội ngũ cán bộ DTTS nói chung và cán bộ nữ DTTS nói riêng từng bước được tăng cường, nâng cao cả về số lượng và chất lượng; trong đó có những đồng chí là cán bộ nữ DTTS được tín nhiệm bầu, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước…

Vẫn còn những rào cản

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, tỷ lệ cán bộ nữ DTTS còn thấp, chưa tương xứng với tỷ lệ dân số nữ và người DTTS; số lượng cán bộ nữ DTTS giữ chức vụ chủ chốt chưa cao, cơ cấu không đồng đều, nhiều nơi mất cân đối nghiêm trọng. Ví dụ, tỉnh Sóc Trăng có 1.872 cán bộ nữ DTTS/3.744 cán bộ DTTS, trong đó cấp tỉnh có 711 người, cấp huyện có 1.117 người, cấp xã có 44 người; tỉnh Hà Giang có 10.478 cán bộ nữ DTTS/20.956 cán bộ DTTS, trong đó cấp tỉnh có 2.062 người, cấp huyện có 7.658 người, cấp xã có 758 người; tỉnh Kon Tum có 1.985 cán bộ nữ/3.970 cán bộ DTTS, trong đó cấp tỉnh có 281 người, cấp huyện có 1.329 người, cấp xã có 375 người…

Chưa hết, theo kết quả điều tra kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam năm 2015 và năm 2019, tỷ lệ nam và nữ người dân tộc thiểu số tương đối cân bằng (50,1% nam và 49,9% nữ), nhưng nhìn chung, phụ nữ DTTS vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, bị đối xử bất bình đẳng so với nam giới trên nhiều lĩnh vực.

Việc xây dựng, triển khai kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới của cơ quan chức năng có liên quan còn chậm, nguồn kinh phí hạn hẹp nên khó khăn trong việc triển khai thực hiện ở vùng dân tộc và miền núi…

Đồng bộ các chương trình đề án

Thực tiễn trên đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới. Đó là tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS nhằm cải thiện đời sống kinh tế-xã hội, góp phần thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong quá trình đó cần chú trọng hơn đến đối tượng phụ nữ và trẻ em gái vùng DTTS.

Trong từng lĩnh vực cụ thể, cần đề ra những chính sách ưu tiên, ưu đãi, mở rộng thêm các cơ hội để phụ nữ DTTS có thể tham gia học tập ở nhiều loại hình, phương thức đào tạo nhằm nâng cao trình độ, năng lực, bao gồm cả trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học… Cần bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định bình đẳng giới, có thái độ, hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị, ngược đãi, bạo hành, làm tổn thương phụ nữ và trẻ em gái DTTS.

Các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cần phổ biến, tuyên truyền sâu rộng và triển khai nhanh chóng, đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS. Tiếp tục tăng cường, kiên trì đẩy mạnh truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về bình đẳng giới tại vùng DTTS bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào.

Cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới có chất lượng hướng tới đối tượng là đồng bào DTTS. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong cộng đồng; xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu mang tính định kiến giới, coi thường, hạ thấp phụ nữ, đề cao nam giới

Chú trọng bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác dân tộc và bình đẳng giới ở cấp cơ sở. Đặc biệt, cần phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ cán bộ thôn, bản, nhất là đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng người DTTS. Áp dụng, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả tại cấp cơ sở để lan tỏa tới cộng đồng những thông điệp ý nghĩa về bình đẳng giới…/.

Linh Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực