Tiếp tục “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”

Thứ hai, 12/12/2022 09:18
(ĐCSVN) - Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã góp phần hỗ trợ một bộ phận phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống; tạo cơ hội, điều kiện để nhiều hội viên phụ nữ phát huy và khẳng định vị trí, vai trò trong gia đình và cộng đồng đồng thời, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về trách nhiệm trong tham gia bảo vệ biên giới quốc gia.

Cuối tháng 10 vừa qua, phụ nữ, trẻ em xã Tá Bạ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu vô cùng phấn khởi khi được đón đoàn cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế thuộc Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ vượt đường sá xa xôi lên tận nơi khám bệnh. Không chỉ hỏi han, thăm khám tận tình, sau khi khám, bà con còn được cấp phát thuốc miễn phí.

Cùng với đó, 200 áo ấm, đồng phục, 30 suất học bổng khuyến học, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng cũng được trao cho học sinh trong xã. 500kg gạo được chuyển tới tặng thầy trò trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Tạ Bá và 1 bộ máy tính được trao cho Hội LHPN xã.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều hoạt động cụ thể của chương trình phối hợp giữa Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Phú Thọ và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu thực hiện chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương".

Bác sỹ Bệnh viện sản nhi tỉnh Phú Thọ khám và phát thuốc cho trẻ em tại xã Tá Bạ. 

Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu cung cấp thông tin, trong 5 năm qua, thêm 21 “Mái ấm biên cương” được dành tặng gia đình quân nhân nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn xuất hiện trên địa bàn tỉnh Lai Châu cùng 5 mô hình phát triển kinh tế cho các đồn biên phòng. 

Đó là kết quả của việc 2 đơn vị đã triển khai bài bản, thống nhất, phù hợp; huy động được sự tham gia của các cấp, ngành, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, cán bộ, chiến sỹ về giữ gìn đoàn kết quân dân, tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Không giấu được xúc động khi được ở trong “Nhà mái ấm tình thương” trị giá 50 triệu đồng do Hội LHPN TP Hà Nội trao tặng, chị Lương Thị Nọi, bản Piêng Lau, xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, hội viên phụ nữ được xem có hoàn cảnh khó khăn nhất ở bản rưng rưng: "Chồng mất, một mình tôi nuôi hai con nhỏ sống trong căn nhà tranh tre nứa lá dột nát. Đến bữa ăn cho con còn phải lo thì tôi không nghĩ có lúc được ở trong căn nhà mới!". 

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN Hà Nội cho hay, ngoài căn nhà của chị Nọi, riêng tại xã Na Loi, Hội LHPN TP còn tặng 50 triệu vốn sinh kế cho 5 phụ nữ nghèo; tặng 20 suất quà cho 20 phụ nữ nghèo. Thực hiện giai đoạn 2 của chương trình, Hội Phụ nữ TP Hà Nội tiếp tục hoạt động đồng hành tại hai xã miền núi của tỉnh Nghệ An là xã Na Loi và Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Tại xã Nậm Cắn, 50 triệu đồng được dành để xây nhà tiêu hợp vệ sinh cho 5 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; 50 triệu đồng dành để xây mái ấm cho 1 phụ nữ nghèo; 20 suất quà gồm áo chống nắng, mũ len, màn chụp… và nhiều nhu yếu phẩm trị giá trên 500.000 đồng/suất được trao cho 20 phụ nữ khó khăn trong xã.

"Từ năm 2018, thực hiện chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng phát động, Hội LHPN TP Hà Nội đã thực hiện chương trình tại hai xã Leng Su Sìn và Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện biên; xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum với nhiều hoạt động ý nghĩa như trao vốn sinh kế cho phụ nữ, tặng kinh phí xây dựng "Mái ấm tình thương", hỗ trợ kinh phí xây nhà tiêu hợp vệ sinh, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó… với tổng kinh phí gần 2,5 tỷ đồng.

Năm 2021, bắt đầu bước vào giai đoạn 2 của chương trình, tuy nhiên, do dịch bệnh nên hoạt động đồng hành năm 2021 được thực hiện thông qua việc gửi kinh phí 100 triệu đồng xây mái ấm cho 2 phụ nữ tại 2 xã. Năm 2022 này, ngay khi dịch bệnh được kiềm chế, đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội đã lên đường, trực tiếp trao tặng các công trình đồng hành và thăm các phụ nữ được nhận mái ấm của năm 2021. Trong các năm tiếp theo, hoạt động đồng hành cùng phụ nữ biên cương của Hội LHPN Hà Nội tại Nghệ An nói riêng, các tỉnh thành khác nói chung sẽ tiếp tục được nối dài", bà Thủy khẳng định.

Chị Lương Thị Nọi (thứ 3 từ phải qua) chia sẻ niềm vui có ngôi nhà mới với đoàn công tác Hội LHPN TP Hà Nội. 

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, kết quả chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020 đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Chương trình đã góp phần hỗ trợ một bộ phận phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống; tạo cơ hội, điều kiện để nhiều hội viên phụ nữ phát huy và khẳng định vị trí, vai trò trong gia đình và cộng đồng đồng thời, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về trách nhiệm trong tham gia bảo vệ biên giới quốc gia. 

Phát huy kết quả đã đạt được, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tiếp tục triển khai chương trình giai đoạn 2021 - 2025 với một số nội dung: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên phụ nữ cơ sở về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, hiệp định, quy chế biên giới, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Duy trì và xây dựng mô hình sinh kế bền vững cho phụ nữ nghèo khu vực biên giới biết cách tổ chức sản xuất, thi đua giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, áp dụng khoa học kỹ thuật trong lao động sản xuất. Chủ động, linh hoạt, sáng tạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm thu hút phụ nữ tham gia hoạt động Hội, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ tập hợp phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tăng 10% so với năm 2020; hằng năm, mỗi xã giúp ít nhất 03 gia đình phụ nữ nghèo đạt các tiêu chí gia đình “5 không, 5 có” và “3 sạch”; 100% xã trong chương trình được trang bị máy tính và sử dụng thành thạo máy vi tính, điện thoại thông minh phục vụ công tác, sinh hoạt, có tủ sách, báo Phụ nữ.

Đồng thời, phối hợp vận động phụ nữ và gia đình tích cực tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia cùng Bộ đội biên phòng và các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống các hoạt động vi phạm chủ quyền, an ninh biên giới, mua bán người, bạo hành phụ nữ, trẻ em... Tổ chức cho hội viên, phụ nữ ở địa bàn biên giới cam kết không để người thân và con em trong gia đình vi phạm pháp luật, quy chế biên giới; đấu tranh tố giác tội phạm, nâng cao cảnh giác không để kẻ xấu lôi kéo, kích động gây mất đoàn kết quân dân, đoàn kết dân tộc; không tham gia hoạt động tôn giáo trái pháp luật, bài trừ các hủ tục, xóa bỏ các tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, góp phần xây dựng địa bàn không có tội phạm về ma túy và các loại tội phạm khác.

Tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi, tặng quà các gia đình phụ nữ khó khăn, trao học bổng học sinh nghèo vượt khó, con em gia đình bộ đội trên địa bàn biên giới thuộc chương trình. Hỗ trợ xây dựng công trình dân sinh, mái ấm tình thương cho gia đình phụ nữ khó khăn về nhà ở./.

Bảo Chi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực