Phát biểu tham luận tại Hội thảo văn hoá 2022 “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá, tổ chức ngày 17/12”, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’Đăm cho rằng, hiện nay, văn hoá các DTTS đang đứng trước những biến đổi rất sâu sắc, bị mai một, lai căng, mất dần bản sắc đặt ra những thách thức to lớn trong bảo tồn và phát huy giá trị. Có thể nhận diện một số thách thức, biến đổi như: Sự mai một, biến mất của một số thành tố vốn là bản sắc văn hóa tộc người. Quá trình tiếp biến văn hoá đã làm xuất hiện quan niệm, lối sống và nhiều yếu tố văn hóa lai căng, không lành mạnh trong các DTTS, đặc biệt là ở giới trẻ.
|
Nhà Rông và Cồng chiêng Tây Nguyên đang được các cấp chính quyền quan tâm bảo tồn và phát huy. |
Yêu cầu cấp bách trong giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các DTTS trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế; Quan tâm tới vấn đề kiến tạo sự gắn kết chặt chẽ việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS với các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi; Hạn chế trong công tác thực hiện, đánh giá chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các DTTS.
Từ thực trạng trên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’Đăm đã đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên.
Thứ nhất, cần tiếp tục đổi mới nhận thức trong công tác hoạch định chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các DTTS. Chú trọng nâng cao nhận thức, năng lực, chất lượng lập pháp của Quốc hội về văn hóa; xem văn hóa là mục tiêu, nguồn lực nội sinh, động lực đột phá của quá trình phát triển.
Thứ hai, tiếp tục rà soát văn bản, thể chế hóa các chủ trương của Đảng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng DTTS.
Thứ ba là đổi mới công tác quản lý nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá DTTS. Nhà nước cần quan tâm bố trí đủ nguồn lực cho các chương trình, dự án, đề án, nghiên cứu khoa học về bảo tồn văn hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn hóa vùng DTTS.
Thứ tư, đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS gắn kết với các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS./.