|
Người H’Mông (tỉnh Điện Biên) có trang phục sử dụng bốn màu chủ đạo xanh, đỏ, tím, vàng để tạo nên các hoa văn, họa tiết độc đáo. |
Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” đã được triển khai 2 năm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Triển khai Đề án này, tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành khảo sát, kiểm kê, đánh giá trang phục truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng, Sán Chay, Mông, Dao tại 63 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các huyện xây dựng 3 cụm pa-nô tuyên truyền; lựa chọn 8 thôn thuộc 8 huyện, thành phố tổ chức tập luyện, trình diễn trang phục truyền thống.
Tỉnh khuyến khích học sinh mặc trang phục truyền thống vào các ngày đầu tuần, ngày lễ... Đồng thời tuyên truyền, giáo dục, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, dạy nghề cắt, may trang phục truyền thống cho học sinh.
Nhờ đó, đến nay, hầu hết trang phục của các dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn được sử dụng khá thường xuyên trong sinh hoạt hằng ngày, dịp lễ, tết, sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống, thậm chí cả khi đi chợ phiên.
* Cũng trong thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” tại tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2022, Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng đã tặng 600 bộ trang phục truyền thống (nam, nữ) dân tộc Khmer cho học sinh dân tộc các trường dân tộc nội trú.
|
Lễ đón dâu trong phong tục cưới hỏi của người Giáy, tỉnh Lào Cai. |
Các trường được tặng trang phục gồm: Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương (thành phố Sóc Trăng), Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Thạnh Phú (Mỹ Xuyên) và Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Thạnh Trị.
Đề án nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao ý thức trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Đồng thời, Đề án triển khai công tác đánh giá thực trạng về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã được kiểm kê và lập danh mục, sưu tầm; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, đưa cán bộ nghiệp vụ và các nghệ nhân có uy tín tham gia các lớp tập huấn, truyền dạy kỹ năng bảo tồn trang phục truyền thống; tổ chức chương trình liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giới thiệu đến với công chúng./.