Bình Thuận: Truyền dạy hát ngâm Ariya của người Chăm
Thứ sáu, 27/10/2023 23:30 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Lớp truyền dạy hát ngâm Ariya của người Chăm vừa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Bình thuận khai mạc tại xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình với sự tham dự của gần 30 học viên là các chức sắc, chức việc, trí thức về hưu và con em đồng bào Chăm.
Đây là hoạt động nhằm triển khai thực hiện Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719).
Trong thời gian tham gia lớp học từ ngày 27/10 đến 4/11/2023, học viên sẽ có các buổi học tập tại Trung tâm Trưng bày Văn hoá Chăm Bình Thuận (xã Phan Hiệp) và đi khảo sát thực tế tại xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
|
Lớp truyền dạy hát ngâm Ariya của người Chăm diễn ra từ ngày 27/10 đến 4/11/2023. |
Ariya của người Chăm là một loại hình thư tịch cổ được viết bằng tay và được sao chép lại bằng chữ viết Akhar Thrah để sử dụng và lưu truyền lại cho đời sau. Đây là những tác phẩm văn chương với nhiều thể loại khác nhau, như thơ ca, tráng ca, sử thi, gia huấn ca... nội dung phong phú và đa dạng, thường miêu thuật về sinh hoạt của xã hội, các tầng lớp trên như vua chúa, tăng lữ và các tầng lớp dưới của xã hội... Ariya còn là kho tàng tri thức quý hiếm chứa đựng nhiều nội dung, cung cấp nguồn tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu về lịch sử, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, giáo dục của cộng đồng người Chăm.
Được biết, ngoài lớp truyền dạy hát ngâm Ariya được tổ chức tại xã Phan Hiệp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận cũng được tỉnh Bình Thuận giao triển khai, thực hiện các nội dung thuộc Dự án 6 của Chương trình MTQG 1719 gồm: Xây dựng Đề án phát huy Lễ hội Katê của người Chăm ở Bình Thuận; Mở lớp truyền dạy kỹ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình; Bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian: dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc Cơ Ho xã Đông Giang và La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc; Xây dựng mô hình “kho mở” Bộ sưu tập di sản văn hóa Hoàng tộc Chăm, huyện Bắc Bình kết nối với các hành trình du lịch di sản văn hóa Chăm tại địa phương./.
An Diệp