Căng Bắc Mê – “địa chỉ đỏ” nơi địa đầu Tổ quốc

Thứ sáu, 30/12/2022 11:05
(ĐCSVN) - Bên cạnh những địa danh quen thuộc như Cao nguyên đá Đồng Văn, Núi đôi Quản Bạ, Dinh họ Vương, Cột cờ Lũng Cú, Đỉnh Mã Pì Lèng…thì di tích Căng Bắc Mê nằm bên dòng sông Gâm xanh biếc cũng là một điểm đến không thể bỏ qua mỗi khi du khách đặt chân đến Hà Giang.
leftcenterrightdel
Bia di tích lịch sử Căng Bắc Mê. 

Trở thành địa chỉ “đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng

Bắc Mê là một huyện vùng sâu của tỉnh Hà Giang. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng với những cánh rừng xanh bạt ngàn, dòng sông Gâm thơ mộng cùng di tích lịch sử Căng Bắc Mế cổ kính. Bắc Mê trở thành điểm đến hấp dẫn du khách khi đến Hà Giang du lịch.

Căng Bắc Mê - di tích lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Pháp - tọa lạc trên sườn núi Rồng thuộc địa bàn thôn Đồn Điền, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Căng Bắc Mê được người Pháp xây dựng trước năm 1938 trong thời gian chiếm đóng Hà Giang.

Trong tiếng Pháp, “căng” có nghĩa là đồn lính, trại lính. Nơi đây được xây dựng gồm hệ thống nhà giam, vọng gác, nhà thông tin được người Pháp xây dựng nhằm kiểm soát toàn bộ tuyến giao thông nối 3 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Tuyên Quang.

Được người Pháp chọn xây dựng tại nơi đây bởi vị trị chiến lược trọng yếu, dễ dàng kiểm soát được khu vực rộng lớn, thuận lợi cho những hoạt động quân sự của Pháp trong thời gian chiếm đóng nơi đây. Căng Bắc Mê được xây dựng dựa trên sườn núi đá tai mèo hiểm trở, cao vút. Phía sau là núi Rồng như che chắn bảo vệ cho đồn bốt này, trước mặt là dòng sông Gâm giúp cho việc quan sát, bao quát tình hình được dễ dàng.

leftcenterrightdel
 Di tích lịch sử Căng Bắc Mê rêu phong cổ kính.

Năm 1938, khi phong trào cách mạng ở Việt Nam phát triển thì thực dân Pháp biến nơi này thành địa điểm giam giữ cán bộ cách mạng, chúng chuyển một số tù nhân chính trị từ Sơn La, Hỏa Lò, Phú Thọ… lên đây giam giữ.

Trong thời gian từ năm 1939 đến 1942, thực dân Pháp đã sử dụng Căng Bắc Mê làm nơi giam tù chính trị. Lúc đông nhất, số lượng tù chính trị bị giam tại đây lên tới gần 300 người, trong đó có các đồng chí: Trần Cung, Trần Các, Trần Hiệu, Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy, Nguyên Hồng, Hoàng Bắc Dũng, Phan Bội (Hoàng Hữu Nam), Hoàng Vọng Bình, Lương Nhân, Hà Kế Tấn, Lê Giản… và một số nữ tù nhân chính trị như Nguyễn Thị Thoa, Trần Thị Khánh, Nguyễn Thị Sửu, Lê Thị Sói… Hiện nay, di ảnh của các đồng chí vẫn được trưng bày tại Di tích.

Đến cuối năm 1945, Căng Bắc Mê được giải phóng cùng với thành công của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại địa phương.

Qua năm tháng, những dấu tích và nhiều hiện vật đã được chính quyền, nhân dân nơi đây lưu giữ, bảo tồn, trở thành địa chỉ “đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Căng Bắc Mê hiện là một điểm đến được nhiều du khách yêu thích

Trải qua thời gian địa danh này đã bị hư hỏng nhiều. Đến năm 1992 Căng Bắc Mê được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử mà còn giáo dục truyền thống yêu nước cho những thế hệ mai sau, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Hà Giang.

leftcenterrightdel
Năm 1992, Căng Bắc Mê được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. 

Năm 2003, Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Hà Giang phối hợp với các cơ quan ban ngành trong tỉnh, cùng với Huyện Bắc Mê đã cho tiến hành trùng tu một số hạng mục của di tích như: vọng gác, nhà giam, đường lên xuống... Mới đây nhất, vào ngày 9/7/2022, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức Lễ khánh thành công trình bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia Căng Bắc Mê (giai đoạn 1).

Với giá trị lịch sử to lớn và ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, Căng Bắc Mê trở thành địa chỉ “đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Đến với Hà Giang hôm nay, địa danh Căng Bắc Mê là điểm kết thúc trong hành trình khám phá Cao nguyên đá Đồng Văn của du khách đến với cánh cung phía Tây của Hà Giang.

Không chỉ là một điểm du lịch về nguồn trên mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc, Căng Bắc Mê được nhiều du khách yêu thích bởi khung cảnh mang đậm dấu thời gian, màu sắc cổ kính trong một không gian tự nhiên tĩnh lặng bởi hoàn toàn không có các hoạt động thương mại.

Đến với Căng Bắc Mê, du khách trào dâng lòng xúc động bồi hồi, nghe như những âm thanh của lịch sử hàng trăm năm trước vang vọng về, thấy mình thật nhỏ bé trước những hy sinh của bao lớp lớp những người con yêu nước đã để lại nơi đây, tự hào thay mảnh đất hình chữ S nhỏ bé nhưng bất khuất hiên ngang.

Đến đây, bạn sẽ được nghe thuyết trình về quá trình hình thành Căng cùng những chiến công hiển hách của các chiến sĩ Cộng sản. Ai đến đây cũng càng thêm tự hào, thêm khâm phục, biết ơn những tấm gương kháng chiến bất khuất, kiên cường. Đến nay, Căng Bắc Mê vẫn còn lưu giữ lại nhiều hiện vật như gạch, ngòi, xích tù nhân, bản lề cánh cửa…

Nếu đi từ thành phố Hà Giang lên cao nguyên đá, cột cờ Lũng Cú, sau khi đến Mèo Vạc, du khách nên đi theo cung đường từ Mèo Vạc sang Bắc Mê để trải nghiệm không gian cổ kính rêu phong trầm mặc ở Căng Bắc Mê, sau đó có thể đi thuyền trên sông Gâm, rồi trở về thành phố Hà Giang để khép kín tour du lịch của mình. Hành trình này đặc biệt phù hợp với các bạn trẻ, hay những đoàn khách ưa khám phá, trải nghiệm.

Một số hình ảnh tìm hiểu và khá phá tại Di tích lịch sử Căng Bắc Mê:

leftcenterrightdel
Căng Bắc Mê trở thành địa chỉ “đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau. 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Di tích Căng Bắc Mê hiện không còn nguyên vẹn như xưa nhưng không gian nơi đây lưu giữ những dấu tích của cách mạng vô cùng kiên cường và lạc quan.
leftcenterrightdel
Căng Bắc Mê vẫn còn lưu giữ lại nhiều hiện vật như gạch, ngói, hình ảnh...
leftcenterrightdel
Những dấu tích và nhiều hiện vật được nơi đây lưu giữ, bảo tồn. 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Mới đây nhất, vào ngày 9/7/2022, UBND tỉnh Hà Giang đã khánh thành công trình bảo tồn, tôn tạo di tích nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

 

Bài và ảnh: Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực