Đắk Lắk: Tập huấn, truyền dạy về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số

Thứ ba, 05/12/2023 15:35
(ĐCSVN) - Thực hiện Dự án 6 của Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Đắk Lắk đã kịp thời triển khai các lớp tập huấn, truyền dạy về văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc này.

*Từ ngày 11 – 14/10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình tập huấn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Các học viên và Ban tổ chức tại chương trình tập huấn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Ảnh: Mai Sao

Tham gia lớp tập huấn có 50 học viên là cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị kinh doanh du lịch, bảo tàng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Nội dung tập huấn gồm: Tổng quan về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk; các mô hình, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; phương pháp giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa dựa trên giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; marketing du lịch văn hóa gắn với giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số…

Qua lớp tập huấn, học viên có thể vận dụng trong thực tiễn công tác, góp phần khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.

* Ngày 17/10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk tổ chức khai giảng lớp truyền dạy và thực hành nghề làm gốm thủ công của dân tộc M’nông tại xã Yang Tao (huyện Lắk).

Theo đó, tại nhà nghệ nhân H’Lưm Uông (buôn Dơng Băk, xã Yang Tao), 20 học viên là phụ nữ người M’nông tại địa phương sẽ được học quy trình làm gốm, từ giã đất, nặn tạo hình, chà bóng, phơi khô và nung sản phẩm.

Thông qua lớp học sẽ giúp địa phương thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của dân tộc mình. Bên cạnh đó, góp phần phát triển ngành nghề truyền thống gắn với du lịch, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, giúp cải thiện nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.

* Ngày 23/10, tại Nhà sinh hoạt cộng đồng buôn Kbuôr (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lắk tổ chức lớp truyền dạy kỹ năng diễn tấu chiêng và nhạc cụ dân tộc Êđê.

Lớp truyền dạy kỹ năng diễn tấu chiêng và nhạc cụ dân tộc Êđê. Ảnh: Hoàng Ân

Trong thời gian (từ 23/10 -  21/11), 25 học viên dân tộc Êđê từ 13 - 43 tuổi ở buôn Kbuôr tham gia lớip học được 2 nghệ nhân Y Gôt Ayun và Y Roh Niê giới thiệu chung về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và các loại nhạc cụ của dân tộc Êđê (gồm đinh buôt, đinh năm, ki pah…); hướng dẫn, truyền dạy kỹ năng cơ bản về đánh chiêng, nhạc cụ dân tộc…

Lớp truyền dạy kỹ năng diễn tấu chiêng và nhạc cụ dân tộc Êđê cho thanh niên xã Cư Pơng được thực hiện theo Kế hoạch số 2258/KH-SVHTTDL ngày 6/10/2023 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển khai tổ chức hướng dẫn, truyền dạy kỹ năng đánh chiêng, dân vũ và nhạc cụ dân tộc tại các huyện Ea H’leo, Krông Búk, Lắk thuộc Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023.

Đây là lớp truyền dạy kỹ năng diễn tấu cồng chiêng thứ 2 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại xã Cư Pơng. Trước đó,vào tháng 7/2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tổ chức truyền dạy đánh cồng chiêng cho 40 học viên là người dân tộc Êđê, tuổi từ 18 - 35 của buôn Tlan (xã Cư Pơng) và buôn Drăh (xã Cư Né).

* Ngày 26/10, tại TP. Buôn Ma Thuột, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức lớp tập huấn, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023.

Trong thời gian 2 ngày (26 - 27/10), hơn 350 học viên là cán bộ phụ trách văn hóa của các huyện, thị xã, thành phố và trưởng thôn buôn, tổ dân phố được nghiên cứu, học tập các chuyên đề: Chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về văn hóa dân tộc và tổng quan tình hình xây dựng thực hiện hương ước, quy ước; Nghiệp vụ, kỹ năng tổ chức xây dựng hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số qua thực tiễn của tỉnh Đắk Lắk; Quy định pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư; Tổng quan tình hình xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đặc trưng văn hoá, xã hội và yếu tố tác động đến xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk.

Lớp tập huấn có ý nghĩa quan trọng, giúp trang bị kiến thức pháp luật cơ bản, các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện các hương ước, quy ước nhằm phát huy tốt nhất hiệu quả vai trò, ý nghĩa của hương ước, quy ước trong công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp, từng bước loại bỏ các hủ tục lạc hậu tại địa phương, cơ sở.

* Trong vòng 3 tháng (từ 28/9 - 28/12), Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk tổ chức Lớp đào tạo nghệ thuật cộng đồng, cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ở bộ môn múa và nhạc cụ dân tộc.

Đắk Lắk tổ chức Lớp đào tạo nghệ thuật cộng đồng, cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ở bộ môn múa và nhạc cụ dân tộc . Ảnh: Mai Sao

Lớp có 24 học viên, đây là những thí sinh đã được Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk tuyển chọn vào tháng 7,8 vừa qua. Hầu hết các học viên ở độ tuổi nhỏ (từ 12 – 18), có năng khiếu, điều kiện hình thể thuận lợi, phù hợp với đào tạo nghệ thuật và phát triển thực lực trong tương lai.

Với từng bộ môn, học viên đã có một số kỹ năng cơ bản riêng. Về nhạc cụ dân tộc, đa số các em đã biết sử dụng cồng chiêng, nhưng chưa đồng đều, ngoài ra một số ít còn biết sử dụng nhạc cụ dân tộc khác như: đàn T’rưng, Sáo, Đing păh… Về bộ môn múa, hầu hết các học viên chưa được tham gia vào các Câu lạc bộ, đội, nhóm, nên còn còn rụt rè, nắm bắt luật động của động tác còn hạn chế.

Tại lớp đào tạo, các học viên sẽ được các giảng viên thuộc Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk đào tạo về nghệ thuật như: kiến thức âm nhạc, phong cách biểu diễn, trình diễn, xử lý tác phẩm..., từ đó có thể thực hành bài biểu diễn trọn vẹn và đặc sắc. Sau thời gian đào tạo, các học viên sẽ được ưu tiên làm cộng tác viên tham gia các chương trình biểu diễn của Đoàn.

Thông qua lớp đạo tạo góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa nghệ thuật; ươm mầm và bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, nâng cao chất lượng nghệ thuật trong cộng đồng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân; xây dựng ý thức, trách nhiệm nhất là thế hệ trẻ trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc./.

Diệp Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực