Đây là nội dung được Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang Chúng Thị Chiên nhấn mạnh tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Hà Giang với UBND tỉnh và các đơn vị có liên quan về kết quả triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM); giảm nghèo bền vững; phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang từ năm 2021 đến nay, diễn ra ngày 25/10.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang tại buổi làm việc, thời gian qua, việc triển khai thực hiện 3 Chương trình MTQG còn một số khó khăn như: việc ban hành các văn bản hưởng dẫn triển khai và phân bổ vốn chậm; tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19; áp lực của lạm phát, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng... Tuy nhiên, với sự nỗ lực thực hiện các mục tiêu đề ra, tỉnh Hà Giang đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương, nhất là cấp cơ sở tổ chức vận động, hướng dẫn nhân dân phát triển sản xuất, thực hiện xây dựng NTM, xóa đói giảm nghèo và phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt được những kết quả nhất định.
Về chương trình xây dựng NTM, đến cuối năm 2022 toàn tỉnh có một huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 48/175 xã đạt chuẩn NTM, một xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 88 thôn được công nhận thôn đạt chuẩn NTM.
Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, qua triển khai các dự án thành phần đã góp phần quan trọng đưa tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2022 còn 49,95%, giảm 5,17% so với cuối năm 2021; 7/7 huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT - XH liên kết vùng; hỗ trợ gần 600 mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
|
Buổi làm việc giữa Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Hà Giang với UBND tỉnh và các đơn vị có liên quan về kết quả triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia. |
Chương trình phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi với các chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe… đã giúp người dân giải quyết được các nhu cầu khó khăn thiết yếu; góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nhất là các xã khu vực III, khu vực II, các thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số…
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, làm rõ một số nội dung liên quan đến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thực hiện các chương trình đạt thấp so với kế hoạch đề ra; công tác triển khai các nội dung nguồn vốn sự nghiệp ở cấp cơ sở còn nhiều lúng túng; chất lượng hiệu quả các dự án thành phần thuộc các Chương trình; tiến độ triển khai thực hiện các tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu…
Tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long nhấn mạnh, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đúng quy định các Chương trình MTQG trên địa bàn trong thời gian tới. Đồng thời, nêu một số kiến nghị, đề xuất; trong đó, đề nghị Đoàn giám sát HĐND tỉnh đề xuất Trung ương cho phép điều phối nguồn vốn giữa 3 Chương trình để đảm bảo thực hiện thuận lợi, phù hợp với thực tiễn địa phương. Đề nghị từ năm ngân sách 2024, Trung ương chỉ giao tổng kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện từng Chương trình, không giao dự toán chi tiết đến từng dự án và nguồn vốn theo từng dự án, lĩnh vực cụ thể, để các địa phương chủ động trong triển khai thực hiện và đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn được giao hàng năm...
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang Chúng Thị Chiên khẳng định: Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương thực hiện rà soát những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trình HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện. UBND tỉnh, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đã ban hành các kế hoạch thực hiện các Chương trình MTQG, có nhiều ý kiến với các bộ, ngành Trung ương và địa phương để hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; kịp thời ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc các Chương trình MTQG. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG còn một số tồn tại, hạn chế. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát các nội dung chưa có hướng dẫn của Trung ương, kịp thời ban hành hướng dẫn tạm thời để giải quyết khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc thực hiện các Chương trình MTQG; đồng thời rà soát, chủ động lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình MTQG, đặc biệt là các chương trình, dự án có cùng mục tiêu ngay từ quá trình phân bổ, sử dụng nguồn lực tại các địa phương…/.