Để chương trình mục tiêu quốc gia phục vụ đắc lực cho đời sống đồng bào

Thứ tư, 29/11/2023 09:38
(ĐCSVN) - Đến thời điểm này, Điện Biên Đông là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719) gặp nhiều khó khăn. Thời gian để về đích năm 2023 chỉ còn rất ngắn, UBND huyện đã và đang quyết liệt bằng nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Điện Biên Đông (Điện Biên) là huyện miền núi có địa hình phức tạp, đồi núi chiếm 90% diện tích tự nhiên. 

Tổng vốn nguồn Chương trình 1719 triển khai trên địa bàn huyện Điện Biên Đông được giao trong 2 năm 2022 - 2023 là 270 tỷ 112 triệu đồng, gồm: nguồn vốn đầu tư là 186 tỷ 696 triệu đồng; nguồn vốn sự nghiệp là 77 tỷ 066 triệu đồng; nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương (vốn sự nghiệp) là 6 tỷ 350 triệu đồng. Tổng nguồn vốn năm 2023 là 147 tỷ 214 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư là 81 tỷ 803 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 60 tỷ 411 triệu đồng; nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương (vốn sự nghiệp) là 5 tỷ đồng.

Kết quả giải ngân tính đến ngày 30/9/2023, huyện đã giải ngân được 90 tỷ 937 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 77 tỷ 261 triệu đồng, đạt 41,4% kế hoạch; vốn sự nghiệp là 13 tỷ 676 triệu đồng, đạt 18% kế hoạch.

Trao đổi về nguyên nhân của việc giải ngân còn thấp, đặc biệt là đối với nguồn vốn sự nghiệp cũng như những khó khăn, vướng mắc hiện nay, ông Vũ Ngọc Hoành, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho hay, nguồn vốn chương trình giao xuống cho địa phương khá muộn, bắt đầu từ tháng 7/2022. Mặt khác, các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện của Trung ương cũng như của tỉnh ban hành chậm; số lượng văn bản nhiều, thường xuyên thay đổi đã gây không ít khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong quá trình triển khai.

Huyện Điện Biên Đông hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn giống theo đúng quy định cấp con giống của Luật Chăn nuôi thú y  

Một số nội dung đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, chẳng hạn như về danh mục thiết bị cơ bản tại mỗi điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ứng dụng công nghệ thông tin. Hay hướng dẫn đối với nguồn vốn sự nghiệp… Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông dẫn chứng.

Bên cạnh những vướng mắc nêu trên, trong quá trình triển khai chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương cũng phát sinh không ít các vướng mắc, chẳng hạn đối với nội dung hỗ trợ đất sản xuất, thì tại Điện Biên Đông rất ít hộ thiếu đất sản xuất, do vậy nội dung về hỗ trợ đất sản xuất của Dự án 1 không triển khai được. Trong khi đó, việc rà soát đối tượng thụ hưởng lại gặp rất nhiều khó khăn do nhiều hộ gia đình không có Giấy đăng ký sử dụng đất.

Hay như nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (Dự án 3), địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường liên kết, tiêu thụ sản phẩm để triển khai. Việc thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cũng khó thực hiện được do đối tượng thụ hưởng thiếu tư liệu sản xuất. Bên cạnh đó, đối tượng tham gia dự án thiếu vốn đối ứng, không có nguồn vốn quay vòng nên không có khả năng thực hiện dự án.

Cũng ở Dự án 3, thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, huyện Điện Biên Đông chọn xã Luân Giói để trồng nếp tan và xã Tìa Dình để trồng bí xanh. Đến thời điểm kiểm tra các xã đang hoàn thiện hồ sơ 02 chuỗi liên kết. Theo ông Vũ Ngọc Hoành, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông, các sản phẩm được chọn phát triển ở nơi có điều kiện phù hợp, tuy nhiên để thực hiện được cũng nhiều trở ngại vì giao thông đến bản này còn nhiều khó khăn. Các phương tiện rất khó khăn khi vận chuyển vật tư vào mùa mưa…

Trong quá trình triển khai các mô hình chăn nuôi thì những vướng mắc bởi các quy định của pháp luật về chăn nuôi cũng là ràn cản khiến tiến độ giải ngân nguồn vốn bị ảnh hưởng.

Theo ông Trá A Sình, Phó phòng Dân tộc huyện Điện Biên Đông thì tại khoản 2, khoản 3, Điều 22 của Luật Chăn nuôi quy định đơn vị tổ chức cá nhân mua bán con giống phải đáp ứng các điều kiện cụ thể. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện hay tỉnh cũng không có đơn vị cung ứng con giống có đủ điều kiện đáp ứng theo quy định.

Trong khi đó, việc sử dụng con giống do các đơn vị cung ứng từ các địa phương khác theo tiêu chuẩn, thực tế không phù hợp với cách thức chăn nuôi, quảng canh của người dân, không phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường, thức ăn chăn nuôi do vậy làm hạn chế sự phát triển của con giống.

Lãnh đạo huyện Điện Biên Đông và các tổ giám sát cộng đồng thường xuyên xuống cở sở tiếp xúc người dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc từ đó kịp thời tháo gỡ trong quá trình triển khai Chương trình

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, thì còn rất nhiều nút thắt khiến cho việc giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia của huyện Điện Biên Đông chưa cao. Song tựu trung lại, có những nội dung được hỗ trợ người dân không có đủ điều kiện thực hiện hoặc do hướng dẫn của cấp trên không có quy định cụ thể nào nên cấp cơ sở bị động, lúng túng.

Thông tin về những giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình, đồng chí Lò Hải Dung, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Điện Biên Đông cho biết cùng với việc xuống cơ sở nắm tình hình, lãnh đạo UBND huyện tổ chức các cuộc giao ban, qua đó kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của cơ sở và các chủ đầu tư để tháo gỡ và chỉ đạo thực hiện. Huyện cũng tăng cường đôn đốc các chủ đầu tư báo cáo tiến độ thực hiện hàng tuần của từng chương trình, dự án. Yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo 3 chương trình mục tiêu quốc gia theo sát từng chương trình, dự án, hợp phần dự án theo lĩnh vực được phân công. Đồng thời, tiếp tục xin ý kiến các cơ quan cấp trên để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thông qua việc tổ chức triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình đã góp phần vào việc thức đẩy hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thôn, bản, các xã của huyện. Đồng chí Lò Hải Dung cho biết, đồng thời nhấn mạnh: Từ nay đến cuối năm, mục tiêu giải ngân đối với nguồn vốn chuyển tiếp từ năm 2022 và nguồn vốn giao năm 2023 là rất lớn. Tuy nhiên, trên cơ sở bám sát đối tượng và nội dung hỗ trợ của Chương trình, hướng tới mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể của chương trình; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ quản nêu cao tinh thần trách nhiệm; tăng cường nghiên cứu văn bản và học hỏi các địa phương khác… các mục tiêu chương trình sẽ hoàn hoành theo đúng kế hoạch đề ra.

Mong rằng, với sự thống nhất trong ý chí và hành động của đội ngũ lãnh đạo huyện, đơn vị chủ đầu tư, các nguồn vốn được giải ngân sẽ phục vụ đắc lực cho đời sống của người dân trên địa bàn./.

Lam Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực