Di Linh bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa DTTS bắt đầu từ trường học

Thứ sáu, 15/12/2023 15:13
(ĐCSVN) - Nhiều trường học trên địa bàn huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) đã chú trọng lồng ghép giáo dục ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số cho học sinh, thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Bởi hơn ai hết, chính các em - thế hệ trẻ hôm nay là mạch nguồn tiếp nối để gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Để thực hiện tốt Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) xác định bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những nhiệm vụ nền tảng góp phần phát triển toàn diện. Do đó, thời gian qua, địa phương này đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS cư trú trên địa bàn.

Di Linh có gần 42% dân số toàn huyện là người đồng bào DTTS. Trong đó chủ yếu là bà con dân tộc K’Ho, chiếm 35,1%. Đây là yếu tố chính tạo nên bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng, đặc biệt là văn hóa Tây Nguyên như cồng chiêng, dệt thổ cẩm và các lễ hội văn hóa đặc thù trên mảnh đất Di Linh. Tuy nhiên, trong dòng chảy của sự phát triển, những tài sản quý ấy đã có nơi, có lúc dường như bị “lãng quên” nên việc bảo tồn và phát huy là nhiệm vụ đặt ra cho địa phương.

Trước thực tế đó, huyện Di Linh đã xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy văn hóa vùng đồng bào DTTS với những nhiệm vụ cụ thể như: Phục dựng Lễ hội truyền thống Loh Gùng của người K’Ho; Nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, thất. Đồng thời, có kế hoạch lưu giữ và truyền dạy, sử dụng các nhạc cụ truyền thống; các làn điệu dân ca, dân vũ cho người dân địa phương, nhất là con em đồng bào DTTS; Tổ chức các lớp truyền dạy thực hành di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng; Bảo tồn và phát huy giá trị các làng văn hóa truyền thống tiêu biểu để kết hợp với phát triển kinh tế du lịch; Bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương; Hỗ trợ các nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống.

Đặc biệt, Di Linh chú trọng tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, chữ viết, khuyến khích sử dụng trang phục truyền thống… để thế hệ trẻ nói chung và các em học sinh nói riêng được bồi đắp kiến thức và niềm tự hào với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Từ đó có sự kế thừa giữa các thế hệ trong công cuộc bảo tồn giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS.

Khai mạc lớp học chữ viết người K’Ho

Ngày 14/9/2023, Trung tâm học tập cộng đồng xã Tân Thượng phối hợp với Trường THCS Tân Thượng, huyện Di Linh tổ chức khai giảng lớp dạy tiếng K’Ho cho học sinh dân tộc thiểu số nhà trường. Đây được chọn là mô hình điểm của huyện Di Linh trong gìn giữ và phát triển văn hoá bản địa.

 Một lớp truyền dạy chữ viết của đồng bào K'Ho tại Trường THCS Tân Thượng

Trong thời gian khoảng 10 tuần, 70 em học sinh khối lớp 7, 8 của Trường THCS Tân Thượng sẽ được nghệ nhân K’Brôl truyền dạy chữ viết người K’Ho nhằm góp phần để các em hiểu và gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống dân tộc mình. Qua lớp học, các em trở thành hạt nhân trong việc sử dụng chữ viết của người K’Ho, từ đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trước đó, trong năm học 2022 - 2023, lớp học chữ viết K’Ho đã được Trường THCS Tân Thượng hoàn thành với 60 em học khối 7 tham gia. Các em đã biết được chữ viết của dân tộc K’Ho, đa số các em đã viết được những câu đơn giản.

Hiện nay, chữ viết của đồng bào K’Ho trên địa bàn xã Tân Thượng nói riêng, trên địa bàn huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng nói chung đang có nguy cơ mai một và càng ngày càng ít được sử dụng. Các hoạt động văn hóa, thông tin, tuyên truyền… chủ yếu thông qua tiếng nói, ít trao đổi bằng chữ viết. Từ thực trạng đó, Trung tâm học tập cộng đồng xã Tân Thượng đã có nhiều việc làm cụ thể nhằm góp phần bảo tồn văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. nước.

Thầy giáo Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thượng cho biết: Có một thực tế là đồng bào K'Ho nói chung và con em của họ nói riêng tuy nói rất sành tiếng mẹ đẻ, thế nhưng hầu như các em đều không biết đến chữ viết của đồng bào mình. Đây cũng chính là lý do mà Trường THCS Tân Thượng phối hợp với Trung tâm Giáo dục cộng đồng của xã tổ chức lớp học này nhằm giúp các em biết gìn giữ, nâng niu và trân quý vốn chữ viết của đồng bào mình trong một xã hội học tập như hiện nay.

Đưa cồng chiêng từ bản làng vào trường học

Di Linh được biết đến là vùng đất mang đậm dấn ấn văn hóa cồng chiêng, xác định vai trò của giáo dục về bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thời gian qua, các trường trên địa bàn huyện đã không ngừng đưa cồng chiêng vào truyền dạy trong trường học, qua đó thu hút đông đảo các em học sinh tham gia.

Lớp học cồng chiêng của học sinh DTTS huyện Di Linh (Lâm Đồng) 

Cô Nguyễn Thị Hồng Nhung - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đinh Lạc thông tin: “Nhà trường có khoảng 30% số học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số đang theo học. Những năm qua nhà trường đã quan tâm tới giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, nhất là truyền dạy sử dụng cồng chiêng cho các em học sinh, thông qua việc mời các già làng, nghệ nhân về giảng dạy. Đến nay trường đã thành lập được Câu lạc bộ cồng chiêng với 20 em học sinh tham gia. Qua đó giúp các em nâng cao hiểu biết và ý thức giữ gìn bản sắc của dân tộc mình, đồng thời có cơ hội được giao lưu, biết và tôn trọng văn hóa của dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Tự hào về nhiều học trò của trường sử dụng thành thạo cồng chiêng”.

Trường THCS Tân Thượng có 380 em học sinh, trong đó tỷ lệ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Nhằm bảo tồn, giữ gìn văn hóa cồng chiêng, nhà trường đã mở lớp truyền dạy và sử dụng cồng chiêng với 40 em học sinh tham gia học. Cô Nguyễn Thị Ái Diễm - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Qua thời gian được các nghệ nhân truyền dạy, các em đã có thể đánh được một số bài chiêng cơ bản, bên cạnh đó tạo được sự hứng thú, đam mê. Đây sẽ là tiền đề để nhà trường thành lập câu lạc bộ cồng chiêng của đơn vị và khi được biểu diễn từng nhịp chiêng trên những bộ trang phục đặc sắc của dân tộc K’ Ho các em sẽ không khỏi tự hào”.

Cồng chiêng được coi là linh hồn trong đời sống văn hóa, tâm linh của dân tộc K’Ho ở Tây Nguyên. Trong quá trình đưa cồng chiêng vào trường học, những nghệ nhân, già làng, người có uy tín cùng đồng hành truyền dạy cho học sinh. Qua đó, giúp hoạt động bảo tồn, giữ gìn văn hoá cồng chiêng của nhà trường đi vào chiều sâu. Đặc biệt, hình thành sợi dây kết nối giữa trường học với cộng đồng. Trong nhịp sống hiện đại, sự giao thoa văn hóa của mọi vùng miền và sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội ngày càng mạnh mẽ. Điều này phần nào khiến thế hệ trẻ dần xa rời giá trị văn hoá truyền thống. Do vậy, vai trò của ngành giáo dục trong nâng cao ý thức bảo tồn, giữ gìn văn hoá cồng chiêng cho học sinh rất quan trọng. Nhờ tham gia các hoạt động trong trường, số học sinh biết đánh cồng chiêng trên địa bàn huyện ngày càng tăng. Đây là một trong những giải pháp góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của nhân loại do chính các em học sinh, thế hệ tương lai là người tiếp nối và được trao truyền.

Giữ gìn và phát huy giá trị của trang phục truyền thống

Trang phục truyền thống là một trong những biểu trưng của nền văn hoá các dân tộc, phản ánh phong tục, tập quán, vẻ đẹp và bản sắc riêng của từng dân tộc khác nhau. Nhằm góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, trường THCS Tân Thượng, huyện Di Linh đã có cách làm sáng tạo là cho học sinh các dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống như đồng phục tới trường.

Cô trò Trường THCS Tân Thượng mặc trang phục truyền thống DTTS tới trường

Với 90% học sinh là người dân tộc K’ ho, Sán Dìu, Nùng, Tày… những trang phục dân tộc này đã chính thức trở thành đồng phục của nhà trường vào thứ Hai hằng tuần và vào các dịp lễ, hội mà nhà trường tổ chức. Cả sân trường rộn rã khi các bạn dân tộc K'Ho nổi bật với trang phục nhiều sắc màu, các học sinh dân tộc Tày thì duyên dáng trong trang phục đằm thắm sắc chàm. Đây đều là những bộ đồ có họa tiết mộc mạc, nhiều màu sắc và chứa đựng niềm tự hào to lớn của cả một tộc người.

Theo thầy Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường: Là trường vùng xa với tỷ lệ con em dân tộc thiểu số là chủ yếu, việc quy định mặc trang phục truyền thống dân tộc trong ngày thứ Hai và những ngày lễ lớn trong năm là để các em thêm hiểu về truyền thống của dân tộc mình, đồng thời, tạo nên một không gian văn hoá dân tộc thiểu số đa màu sắc trong môi trường học đường.

Không riêng các em học sinh, mà nhà trường còn khuyến khích các thầy, cô giáo người dân tộc thiểu số cũng mặc trang phục truyền thống mỗi khi lên bục giảng. Điều này sẽ góp phần lan tỏa niềm tự hào về nét đẹp riêng của mỗi dân tộc đến với các em học sinh nhiều hơn. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.

Cô giáo Ka Duýs, giáo viên dạy văn, Trường THCS Tân Thượng cho biết: Nhờ trang phục của dân tộc, cô cảm thấy mình duyên dáng hơn, gần gũi hơn với các em. Mỗi khi đến trường với trang phục truyền thống, cô còn cảm thấy tự hào khi đang góp phần giữ gìn truyền thống quý giá của dân tộc, khi mà xã hội hiện đại khiến các trang phục dần bị mai một. Cô cũng cảm nhận được niềm vui trong đôi mắt của các em học sinh. Các em cũng háo hức tìm hiểu về dân tộc của các bạn xung quanh thông qua bộ trang phục mà các bạn mặc đến lớp.

Được biết, những năm qua, các trường học trên địa bàn huyện Di Linh đã quan tâm tới việc giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa truyền thống vào trường học. Nhiều lớp học chữ viết của đồng bào DTTS được mở ra, những câu lạc bộ cồng chiêng, đan lát được thành lập, việc mặc trang phục dân tộc đến trường của học sinh dân tộc thiểu số được khuyến khích … Từ đó góp phần để các em hiểu và gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc mình, bởi hơn ai hết, chính các em học sinh – thế hệ trẻ hôm nay là mạch nguồn nối tiếp để gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình./.

Hà Phương (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực