Đưa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào hệ thống phân phối hiện đại

Thứ bảy, 07/10/2023 14:06
(ĐCSVN) - Tại Tọa đàm do Tạp chí Công Thương tổ chức, đại diện các cơ quan nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và chuyên gia thảo luận, chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa việc đưa sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

Tọa đàm "Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào hệ thống phân phối hiện đại" do Tạp chí Công Thương tổ chức được phát trực tuyến ngày 05/10/2023.

Hình ảnh tại Tọa đàm.

Chia sẻ tại Toạ đàm, ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, nhiều chương trình phát triển thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại kết quả tích cực cho sản phẩm đặc sản, đặc trưng thế mạnh của bà con, hỗ trợ sản phẩm vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

Dịch vụ kết nối giữa khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với hệ thống phân phối đã được đáp ứng và phát triển rất mạnh từ dịch vụ giao nhận, vận chuyển, logistics cho đến dịch vụ gia công, bao bì đóng gói và tất cả dịch vụ có liên quan. Đáng lưu ý đã có hàng chục mặt hàng đặc trưng đặc sản, lợi thế của từng vùng thâm nhập được vào hệ thống phân phối lớn, đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng.

“Hiện nay, hệ thống phân phối trong nước, hệ thống của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại các trung tâm kinh tế của cả nước đều phân phối những mặt hàng đặc trưng, đặc sản, những mặt hàng riêng biệt của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, ông Hội nói.

 Ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) chia sẻ tại Tọa đàm.

Đồng tình với nhận định của ông Nguyễn Văn Hội, ông Kiều Song Hào, Giám Đốc Thu mua miền Bắc, MM Mega Market Việt Nam cho hay, thời gian qua, MM Mega Market phối hợp cùng Bộ Công Thương đưa sản phẩm đặc trưng của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào chuỗi siêu thị của mình trải dài từ Bắc vào Nam.

Hiện tại, sản phẩm của các tỉnh phía Bắc đã được kết nối, trung chuyển và đưa thẳng vào trong toàn bộ hệ thống chuỗi siêu thị của MM Mega Việt Nam. Từ quả bí thơm của Hợp tác xã Yến Dương hay hạt dẻ của Bắc Kạn, hệ thống siêu thị đã kết nối thành công đến tận Rạch Giá, Kiên Giang. 

Một tháng trở lại đây, tại hệ thống siêu thị MM Mega Market đang diễn ra Lễ hội nông sản Tây Bắc, tất cả sản phẩm của Tây Bắc đều có mặt trải dài từ Bắc vào Nam, đến hết tháng 10/2023. Sau hoạt động này, sẽ có một số hoạt động về trái cây đầu vụ của Bắc Giang, Hoà Bình. Đây là những sản phẩm mà MM Mega đã và đang đồng hành và hỗ trợ bà con nông dân, các tỉnh thành, hợp tác xã.

Từ những hoạt động này đã tạo ra những nền tảng căn bản cho phát triển thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, các diễn giả tại tọa đàm cũng đánh giá, thực tế tỷ lệ và tần suất xuất hiện các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hệ thống phân phối còn chưa cao. Điều này đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp cần có những giải pháp đồng bộ hơn nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, có thể tham gia bền vững vào các hệ thống phân phối trong và ngoài nước. 

 Giới thiệu đặc sản Yên Bái đến người tiêu dùng.

Nhằm hỗ trợ bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo bà Đào Thị Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai, thời gian tới, tỉnh Gia Lai sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ. Cùng đó, cần sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương để hỗ trợ đưa sản phẩm của vùng dân tộc thiểu số vào chuỗi cung ứng; mong muốn hệ thống phân phối chung tay hỗ trợ đưa sản phẩm của bà con vào chuỗi siêu thị. Đặc biệt, triển khai chính sách ưu đãi, phát triển hạ tầng; nâng cấp đầu tư; nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh cho sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông Nguyễn Văn Hội cũng cho biết, tới đây Bộ Công Thương sẽ triển khai thiết thực các Chương trình mục tiêu quốc gia, hoạt động hỗ trợ bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển sản phẩm mang đậm đặc trưng dân tộc. Đồng thời, hoàn thiện chính sách; giải quyết các vấn đề về kho bãi, logistics; phát triển kênh thương mại điện tử, triển khai hạ tầng thương mại, nhất là chợ đầu mối; tăng cường truyền thông và quảng bá sản phẩm cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Bộ Công Thương sẽ triển khai các Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình phát triển thương mại vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Chương trình người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam; Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; Chương trình thương hiệu quốc gia và các Chương trình khuyến công quốc gia... nhằm đạt hiệu quả thiết thực trong thời gian tới./.


Bích Hồng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực