|
Tính đến ngày 15/9, Gia Lai mới giải ngân đạt 14,66% kế hoạch. Ảnh: Đức Thuỵ |
Báo cáo tại hội nghị trực tuyến chuyên đề đánh giá việc triển khai 3 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Gia Lai cho biết: Tổng vốn thực hiện chương trình MTQG đã giao trong giai đoạn 2021 - 2023 là gần 3.075,4 tỷ đồng. Trong đó, vốn chương trình xây dựng NTM gần 1.140,6 tỷ đồng; vốn chương trình giảm nghèo bền vững 401,3 tỷ đồng; vốn chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 1.533,5 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2021, đã giải ngân 50,8 tỷ đồng, đạt 82,35% kế hoạch; năm 2022, tổng vốn ngân sách nhà nước là hơn 1.330,3 tỷ đồng, đã giải ngân 566,4 tỷ đồng, đạt 45,3% kế hoạch; năm 2023, tổng vốn ngân sách nhà nước là 1.683,6 tỷ đồng, đến ngày 15/9 đã giải ngân 247,7 tỷ đồng, đạt 14,66% kế hoạch. Như vậy, Gia Lai nằm trong nhóm 33 bộ, ngành và 8 địa phương giải ngân thấp nhất cả nước (dưới 25%).
Chỉ rõ nguyên nhân cũng như những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chương trình MTQG tại địa phương, ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: Hiện nguồn vốn đầu tư năm 2023 từ ngân sách tỉnh đối với các nội dung hỗ trợ nhà ở, đất ở chưa được phân khai, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện không còn quỹ đất khai hoang, phục hóa nên việc giải quyết đất sản xuất cho các đối tượng thụ hưởng không thực hiện được. Dự án mô hình phát triển sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng) là mô hình thí điểm của cả nước nhưng chưa thống nhất được cơ quan thực hiện thẩm định dự án nên chưa có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Trước những vướng mắc dẫn đến tiến độ giải ngân chậm và có một số nguồn vốn địa phương không thực hiện được phải trả lại hoặc chuyển nguồn, ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với các bộ, ngành có văn bản hướng dẫn chi trả tiền hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng, hộ gia đình trong trường hợp thời gian bảo vệ rừng không đủ 1 năm; ban hành quy định thực hiện việc ủy thác nguồn kinh phí sự nghiệp được giao để hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế cho các hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn…
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021 - 2025 Trương Hải Long yêu cầu các sở, ban, ngành khẩn trương phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh sắp tới ban hành quy định, định mức chi ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện dự án giúp các địa phương có cơ sở giải ngân nguồn vốn; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục thanh, quyết toán các chương trình MTQG, tạo thuận lợi cho cấp cơ sở đẩy nhanh tiến độ giải ngân chương trình.
Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định quy định mức hỗ trợ giám sát thi công công trình; quy định việc quản lý, vận hành công trình, quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì công trình các dự án thuộc chương trình MTQG áp dụng cơ chế đặc thù trên địa bàn tỉnh. Rà soát tham mưu UBND tỉnh sửa đổi tỷ lệ hỗ trợ và cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ bằng tiền để luân chuyển trong cộng đồng thực hiện dự án phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.…
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động, quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện các chương trình MTQG. Trong đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn được giao; phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện các chương trình./.