|
Hà Nội đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh: TA) |
Thành phố Hà Nội có diện tích tự nhiên 3.329 km2, có 30 quận, huyện, thị xã; 579 xã, phường, thị trấn, dân số toàn Thành phố hiện nay là khoảng 10 triệu người. Người dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố có hơn 108 nghìn người thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống đan xen cùng người Kinh ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm 1,3% dân số toàn Thành phố.
Đồng bào dân tộc thiểu số của Thành phố Hà Nội cư trú tập trung theo cộng đồng tại 119 thôn, thuộc 14 xã của 05 huyện là Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức với trên 55.000 người, chiếm 51% ngườidân tộc thiểu số trong toàn Thành phố chủ yếu là dân tộc Mường và dân tộc Dao.
Để tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII; Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội, UBND TP đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030.
Theo kế hoạch, Hà Nội thực hiện 9 nội dung thành phần nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô, tổng số vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 là: 2.144,523 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 1.647,702 tỷ đồng; Nguồn vốn sự nghiệp là 496,821 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2026 - 2030 cơ cấu nguồn vốn cụ thể sẽ được xác định sau khi tổng kết giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025.
Cụ thể là các nội dung: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất, nông, lâm nghiệp, du lịch, củng cố phát triển ngành, nghề truyền thống, làng nghề, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó là các nội dung về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Kinh phí: 33,600 tỷ đồng; Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; và truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Mục tiêu tổng quát mà Hà Nội hướng đến là phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô toàn diện, bền vững; phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số; thu hẹp dần tiến tới không còn khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội.
Thời gian qua, tích cực hưởng ứng phong trào “Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, đến nay vùng dân tộc, miền núi Thủ đô có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm trên 12%. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc, miền núi còn 3,7%, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,96%. Thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 50 triệu đồng/người/năm; có 8/13 xã vùng dân tộc, miền núi của thành phố đạt chuẩn nông thôn mới.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức gương mẫu, tự giác của nhân dân trong thực hiện nếp sống văn minh. Những năm gần đây, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” trong tổng số hộ dân của thành phố từ 87 đến 89%, trong đó, tại các xã miền núi, số hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” hơn 93%. Năm 2021, có 112/119 thôn, làng vùng dân tộc, miền núi đạt tiêu chí “Làng văn hóa”./.