Hậu Giang: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện hai Chương trình mục tiêu Quốc gia

Thứ ba, 07/11/2023 17:15
(ĐCSVN) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Hồ Thu Ánh đề nghị các địa phương cố gắng khắc phục, làm hết tinh thần trách nhiệm để giải ngân vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia; rút kinh nghiệm, từ những khó khăn, vướng mắc của năm nay làm chưa tốt để năm sau làm trôi chảy hơn, nhanh hơn.

Ngày 7/11, UBND tỉnh Hậu Giang họp rà soát tình hình giải ngân kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu và miền núi số trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo, tổng kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chuyển nguồn từ năm 2022 và bố trí thực hiện năm 2023 trên 65 tỉ đồng. Đã giải ngân trên 22 tỉ đồng, tỷ lệ giải ngân chiếm 34,1% so với tổng nguồn phải thực hiện năm 2023. Trong quá trình thực hiện, các địa phương đã chủ động nghiên cứu, cập nhật, áp dụng các văn bản quy định, hướng dẫn mới của Trung ương và của tỉnh để thực hiện các dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc như việc triển khai công tác đào tạo nghề được các địa phương thực hiện thường xuyên, song do hết nguồn lao động thuộc đối tượng hỗ trợ của chương trình nên gặp nhiều khó khăn, dẫn đến sử dụng không hết nguồn kinh phí được bố trí, tiến độ giải ngân của một số đơn vị còn chậm…

UBND tỉnh Hậu Giang họp rà soát tình hình giải ngân kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. 

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tổng vốn thực hiện gần 60 tỉ đồng. Tỉnh thực hiện 9 dự án và các tiểu dự án. Hiện các cơ quan, đơn vị và địa phương đang triển khai thực hiện và đã giải ngân nguồn vốn 2022 - 2023 được gần 43 tỉ đồng, đạt 72,5%. Theo Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, các dự án, tiểu dự án của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đã góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và của tỉnh Hậu Giang nói chung. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Hậu Giang được nâng lên. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu đã được quan tâm đầu tư. Giáo dục và đào tạo, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng. An sinh và phúc lợi xã hội đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống không ngừng được đẩy mạnh…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Hồ Thu Ánh đánh giá, dù còn nhiều khó khăn, các huyện, thị xã, thành phố đã đề cao trách nhiệm, nỗ lực thực hiện và giải ngân nguồn vốn phân bổ cho hai Chương trình trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang biểu dương những đơn vị, địa phương đã triển khai tốt, có giải pháp, cách làm tốt trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện kéo dài đến năm 2025, vì vậy, các huyện, thị xã, thành phố cần rút kinh nghiệm, từ những khó khăn, vướng mắc của năm nay làm chưa tốt để năm sau làm trôi chảy hơn, nhanh hơn. Các địa phương cố gắng khắc phục, làm hết tinh thần trách nhiệm, để giải ngân vốn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh, Văn phòng điều phối các Chương trình mục tiêu quốc gia theo dõi, tổng hợp tiến độ thực hiện của các địa phương…

Hạnh Nguyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực