Kiến nghị sớm ban hành văn bản hướng dẫn phù hợp với thực tế địa phương

Thứ năm, 05/10/2023 08:10
(ĐCSVN) - Vốn đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) và các chương trình, dự án hỗ trợ lồng ghép các mục tiêu trên địa bàn huyện Cư Jút theo tỷ lệ quy định còn thấp so với tổng mức đầu tư. Trong khi mức đóng góp đối ứng của Nhân dân có giới hạn nên đã ảnh hưởng tới tính khả thi và tiến độ thi công của các dự án...
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông làm việc với UBND huyện Cư Jút. Ảnh: Hoàng Dương

Trước những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện 3 Chương trình MTQG, huyện Cư Jút (Đắk Nông) kiến nghị các cấp, ngành xem xét và có cơ chế phù hợp, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến đất đai, nhà ở có kế hoạch phân bổ nguồn vốn thực hiện các Chương trình MTQG phù hợp.

Đồng thời xem xét, sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể cho từng tiểu dự án, dự án phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Trung ương xem xét giảm tỷ lệ vốn đối ứng; kiến nghị Bộ Tài chính bổ sung nội dung chi, mức chi đối với công tác duy tu bảo dưỡng các công trình sau đầu tư.

Báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông khảo sát việc thực hiện 3 Chương trình MTQG trên địa bàn huyện Cư Jút (Đắk Nông) nêu rõ: Tổng số nguồn vốn đầu tư 3 Chương trình MTQG hơn 156 tỷ đồng, huyện đã phân bổ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi hơn 21 tỷ đồng, giảm nghèo bền vững hơn 7 tỷ đồng và xây dựng nông thôn mới hơn 127 tỷ đồng.

Nguồn vốn sự nghiệp hơn 40 tỷ đồng, huyện đã phân bổ cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới hơn 13 tỷ đồng, giảm nghèo bền vững hơn 13 tỷ đồng và phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi hơn 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết ngày 12/9/2023, tổng số giải ngân vốn 3 Chương trình MTQG là gần 47 tỷ đồng, đạt 26,69% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.

Một trong những khó khăn trong thực hiện 3 Chương trình MTQG tại Cư Jút là việc phải bố trí vốn bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 1:1 so với ngân sách Trung ương hỗ trợ cao, dẫn tới khả năng cân đối của địa phương gặp nhiều khó khăn; kinh phí thực hiện duy tu bảo dưỡng các công trình sau đầu tư còn nhiều vướng mắc.

Còn tại xã Đắk Wil, huyện Cư Jút, trong năm 2023, Chương trình mục tiêu xây dựng Nông thôn mới có tổng số dự án được giao kế hoạch đầu tư công là hơn 3,5 tỷ đồng, đến hết 31/8/2023 xã đã giải ngân hơn 1,5 tỷ đồng, đạt 45,4% dự toán được giao.

Đối với Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, tại Dự án 2 nhằm đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo xã triển khai tại 5 thôn, với 46 hộ tham gia, với tổng số vốn hơn 1,3 tỷ đồng; Dự án 3 đã hỗ trợ phát triển sản xuất cho 14 hộ dân thôn 7, với tổng số vốn là gần 500 triệu đồng, ...

Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông khảo sát thực tế các công trình, dự án, tiểu dự án thuộc 3 CTMTQG trên địa bàn xã Đắk Wil. Ảnh: Hoàng Dương.

Về Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã Đắk Wil đã triển khai thực hiện các dự án: Dự án 1 nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Về hỗ trợ đất ở, tổng kế hoạch vốn giao là 264 triệu đồng, UBND xã đã triển khai cho 6 hộ làm nhà ở. Về hỗ trợ nhà ở, tổng kế hoạch vốn giao là 308 triệu đồng và hiện 7 ngôi nhà đã xây dựng xong trong năm 2022.

Về hỗ trợ đất sản xuất, tổng kế hoạch vốn giao là 225 triệu đồng và hiện đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 20 hộ có nhu cầu... Đối với phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị địa phương đã triển khai cho 13 hộ dân tại 9 thôn, với tổng số vốn là hơn 263 triệu, trong đó cộng đồng dân cư đóng góp hơn 13 triệu.

Công trình Đường bê tông thôn 9 đi ngã 6 xã Đắk Wil thuộc Dự án 4 với tổng mức đầu tư là hơn 1,4 tỷ đồng hiện đã hoàn thành đã giúp nâng cao cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.

H.Dung (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực