Kon Tum: Hơn 560 mô hình hỗ trợ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững

Thứ sáu, 01/09/2023 19:20
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, các cấp, ngành tỉnh Kon Tum đã xây dựng được hơn 560 mô hình để hỗ trợ hơn 12.700 hộ dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững với tổng số vốn huy động trên 37 tỷ đồng.

Ngày 31/8, Trường Chính trị tỉnh Kon Tum phối hợp với Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh: Đẩy mạnh Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Dự hội thảo có Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Nguyễn Văn Hòa; lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Nguyễn Văn Hòa khẳng định: Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” là chủ trương lớn, quan trọng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đã được các cấp ủy, chính quyền tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, rộng khắp trên toàn tỉnh. Qua 2,5 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động đã từng bước đi vào cuộc sống của đồng bào DTTS, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhiều hộ đồng bào DTTS, giúp họ vươn lên thoát nghèo, trở thành các hộ khá, giàu; diện mạo nông thôn vùng DTTS ngày càng khởi sắc...Hội thảo lần này sẽ góp phần đúc kết lý luận và thực tiễn, qua đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương những giải pháp hữu hiệu trong việc triển khai Cuộc vận động vào thời gian tới.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ những vấn đề mang tính lý luận như “nếp nghĩ”, “cách làm”, “nghèo đa chiều”, “thoát nghèo bền vững”... để tạo sự nhận thức rõ ràng, thống nhất về nội hàm, mục tiêu của Cuộc vận động mà tỉnh đang triển khai; mối quan hệ tác động của Cuộc vận động với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các cuộc vận động khác trên địa bàn tỉnh.

Hội thảo khoa học: Đẩy mạnh Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh Kon Tum 

Bên cạnh đó, phân tích, làm rõ những nhân tố chủ quan, khách quan tác động đến hiệu quả triển khai Cuộc vận động; hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện Cuộc vận động ở từng địa phương, nhất là ở các địa bàn có nhiều đồng bào DTTS. Làm rõ vai trò của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, những mô hình hay, hiệu quả, có khả năng nhân rộng tại cơ quan, địa phương mình; những kinh nghiệm tổ chức, lãnh đạo thực hiện Cuộc vận động của các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh; những kinh nghiệm vận động đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững của tỉnh bạn. Giải pháp, kiến nghị, tư vấn chính sách cụ thể để đẩy mạnh, triển khai thực hiện có hiệu quả hơn Cuộc vận động trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận, tham luận những vấn đề chung về Cuộc vận động; thực trạng, giải pháp đẩy mạnh Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh và những kinh nghiệm tham chiếu...

Kon Tum với đặc thù là tỉnh miền núi, có đông đồng bào DTTS (chiếm hơn 54% dân số toàn tỉnh); chủ yếu sinh sống ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới với điều kiện tự nhiên, hạ tầng kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn.

Để giúp đồng bào DTTS cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngay đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24/2/2021 về chủ trương triển khai Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững".

Qua 2,5 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động đã từng bước đi vào cuộc sống của đồng bào DTTS. Đến nay, đã có trên 50% số hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước; gần 50% số hộ biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Các cấp, ngành đã xây dựng được hơn 560 mô hình để hỗ trợ hơn 12.700 hộ dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững với tổng số vốn huy động trên 37 tỷ đồng... Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhiều hộ đồng bào DTTS, giúp họ vươn lên thoát nghèo, trở thành các hộ khá, giàu; diện mạo nông thôn vùng DTTS ngày càng khởi sắc./.

H.Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực