Từ bao đời nay, nghề dệt thổ cẩm có vai trò rất quan trọng, gắn bó mật thiết trong đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, hầu như gia đình nào cũng có khung dệt vải. Bằng những nguyên vật liệu từ thiên nhiên, phụ nữ huyện Lang Chánh đã dệt nên những sản phẩm đẹp mắt, có ý nghĩa bản sắc văn hóa và có giá trị trên thị trường. Các mặt hàng thổ cẩm của Lang Chánh hiện là những món quà lưu niệm rất được ưa chuộng đối với khách du lịch, tham quan địa phương.
|
Tổ dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Thái của phụ nữ xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh.
|
Nhận thấy những cơ hội đối với nghề dệt thổ cẩm của Lang Chánh có nhiều tiềm năng phát triển. Hội phụ nữ Lang Chánh luôn đau đáu, trăn trở, làm sao để các sản phẩm của đồng bào làm ra có thể bán được ra thị trường, mang lại thu nhập cho bà con. Có như vậy nghề dệt thổ cẩm ở Lang Chánh mới có thể duy trì và phát triển.
Chị Lương Thị Lâm, Chủ tịch Hội LHPN xã Lâm Phú cho biết: Khi còn nhỏ, chị đã được các bà, các mẹ truyền dạy kỹ thuật thêu và dệt những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống, nhiều sắc màu rực rỡ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của lối sống văn hóa hiện đại, nên nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở đây dần bị mai một.
Trước thực trạng đó, Hội LHPN xã đã chủ động liên hệ, kết nối với các tổ chức, cá nhân để tìm kiếm sự hỗ trợ, hợp tác của các đơn vị có năng lực kinh nghiệm về ngành dệt thổ cẩm trong và ngoài tỉnh. Không phụ lòng người, năm 2017 được sự hỗ trợ của Trung tâm dạy nghề nhân đạo (Trung tâm CraftLink) ở Hà Nội, Hội LHPN xã đã thành lập tổ dệt thổ cẩm truyền thống tại bản Poọng, với 15 khung cửi và được trung tâm hỗ trợ ban đầu sợi vải, tập huấn kỹ thuật dệt, thiết kế mẫu mã, đồng thời bao tiêu một số sản phẩm cho chị em. Tổ dệt thổ cẩm truyền thống tại bản Poọng đã mở ra những tiền đề quan trọng để phát triển các tổ, nhóm dệt thổ cẩm khác trong cả xã.
Tương tự, ở bản Năng Cát, xã Trí Nang hiện có khoảng 40 hộ đang theo học và lưu giữ nghề dệt, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, phụ nữ nơi đây lại miệt mài bên khung cửi để dệt nên những sản phẩm văn hóa truyền thống. Mặc dù bị sản phẩm công nghiệp lấn át, có lúc nghề dệt thổ cẩm phải hoạt động cầm chừng, tuy nhiên, với quyết tâm giữ nghề, nghề dệt thổ cẩm ở Lang Chánh vẫn được chị em phụ nữ nơi đây gìn giữ, bảo tồn.
|
Một buổi sinh hoạt của Tổ dệt thổ cẩm truyền thống của phụ nữ xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh.
|
Nhằm không ngừng phát huy những thành tựu đạt được, thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ tiếp tục tập trung nâng cao tay nghề cho người lao động, tăng cường đào tạo nghề, hỗ trợ kinh phí, tìm kiếm thị trường, đầu ra thông qua các hội chợ, lễ hội du lịch để quảng bá… Đặc biệt, vận động thành lập các tổ hợp tác, Hợp tác xã, doanh nghiệp… góp phần làm cho làng nghề vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phát triển một cách bền vững.
Và để người dân có tình yêu đối với nghề dệt thổ cẩm, các cấp chính quyền huyện Lang Chánh đã khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống của người dân, đặc biệt là sự đam mê, nhiệt huyết của Hội LHPN huyện Lang Chánh đã truyền cảm hứng cho người dân nơi đây. Theo đó, hằng năm, Hội LHPN huyện Lang Chánh đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề huyện mở các lớp đào tạo, đào tạo lại nghề dệt thổ cẩm cho hội viên phụ nữ và người dân địa phương. Đồng thời, để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến du khách gần xa, Hội phụ nữ huyện đã tham gia trưng bày tại “Ngày phụ nữ sáng tạo” do Hội LHPN tỉnh tổ chức hằng năm.
Bằng những việc làm thiết thực, Hội LHPN huyện Lang Chánh đã góp phần tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; giữ gìn và thúc đẩy nghề dệt thổ cẩm phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương./.