|
Được đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật, người Pa Dí ở xã Tung Chung Phố, huyện biên giới Mường Khương, Lào Cai đã mạnh dạn trồng quýt, cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Quốc Khánh |
Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có nội dung đào tạo nghề nông nghiệp, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN & PTNT) tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Sở Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh Lào Cai ban hành các văn bản thể chế hóa các chính sách pháp luật của nhà nước; xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Để công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đạt hiệu quả và sát với thực tiễn ở các địa phương, Sở NN &PTNT tỉnh Lào Cai đã phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn; nhu cầu sửdụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Công tác điều tra được thực hiện từ các thôn, bản, tới từng hộ gia đình, trên cơ sở nhu cầu thực tiễn của người dân trước khi tiến hành mở lớp đào tạo. Việc khảo sát nhu cầu học nghề được thực hiện hàng năm đã giúp cho việc mở các lớp dạy nghề hàng năm được sát với thực tế của từng địa phương.
Kết quả, chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2023, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, toàn tỉnh đã triển khai 18/23 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn cho 630 học viên. Trong đó, tập trung vào các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu; trồng chuối, trồng chè, khai thác rừng chồng, kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc; phòng trị bệnh cho lợn, gà… Lào Cai đặt mục tiêu năm 2023 đào tạo 23 lớp/805 học viên và nâng cao chất lượng, hiệu quả các lớp đào tạo nghề.
Theo Sở NN & PTNT tỉnh Lào Cai, tỷ lệ học viên sau đào tạo đa số phát huy tốt kiến thức đã học vào sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ học viên có việc làm ngày càng tăng. Công tác kiểm tra, giám sát luôn được ngành quan tâm, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát đểnắm bắt kịp thời những khó khăn vướng mắc ở cơ sở để có các giải pháp giải quyết kịp thời đảm bảo đúng quy định của Chương trình đáp ứng được nhu cầu đào tạo tại địa phương theo sự chỉ đạo của tỉnh.
Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo nguồn nhân lực có trình độ tay nghề, tạo việc làm, tăng năng suất lao động và nâng cao thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế để từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
T. Dương (t/h)