Mong có cơ chế đặc thù thúc đẩy thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Thứ ba, 31/10/2023 20:00
(ĐCSVN) - Chiều ngày 30/10/2023, tại kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XV, trong phiên thảo luận tại hội trường về các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.
 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu làm rõ một số vấn đề Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. (ảnh: QH)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cảm ơn Quốc hội đã lựa chọn giám sát tối cao chuyên đề về thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719). Đoàn giám sát đã làm việc nỗ lực, trách nhiệm, thực chất, chỉ ra nhiều vấn đề quan trọng, cung cấp nhiều thông tin có giá trị. Bày tỏ đồng tình với báo cáo của Đoàn giám sát, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những ý kiến trách nhiệm, giàu tinh thần xây dựng của các đại biểu Quốc hội nhằm góp phần giúp các chương trình này “về đích” đúng hạn, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân cả nước.

Về tình hình chung, so với khi báo cáo ở Kỳ họp thứ 5, việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong cơ chế chính sách ứng xử với nguồn vốn đầu tư phát triển. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, hiện đã có thông báo dự kiến vốn sự nghiệp của giai đoạn để các địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng.

Về vấn đề phân cấp, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay, tất cả các sửa đổi văn bản có liên quan đều tuân thủ nguyên tắc này, đem lại kết quả thiết thực. Chính các đồng chí ở địa phương mới biết làm như thế nào là tốt nhất. Giải pháp này đã giúp các địa phương có thể giải quyết các vấn đề thực tiễn, thuận tiện trong lồng ghép các chương trình ở cùng một cấp thẩm quyền. Tới đây, Chính phủ sẽ trình thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn một địa phương cấp huyện để thí điểm trộn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về nguồn vốn, nếu nguồn vốn sự nghiệp dùng không hết thì có thể chuyển thành nguồn vốn đầu tư phát triển. Đây là giải pháp tháo gỡ nút thắt lớn trong vấn đề này.

Kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XV (ảnh: QH) 

Về tỷ lệ vốn trung ương - địa phương, Phó Thủ tướng cho biết, mỗi chương trình có một tỷ lệ nhất định. Ghi nhận và chia sẻ những khó khăn của các địa phương trong giai đoạn hiện nay, Phó Thủ tướng nêu rõ, các nội dung này nằm trong kế hoạch trung hạn và đâu đó được áp dụng theo luật, nên chỉ trường hợp cá biệt thì mới vận dụng linh hoạt từ nguồn vốn dự phòng hoặc nguồn tiết kiệm chi để ứng xử với từng dự án đặc biệt.

Về việc chuyển vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó đặc biệt là Chương trình 1719, khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã dựa trên nguyên tắc cố gắng phấn đấu để vốn năm 2022 giải ngân hết trong năm 2023. Tuy nhiên, tình hình khó khăn trong giải ngân đã được tiên liệu tại phiên họp lần này. Vấn đề đó có thể giải quyết bằng cơ chế đặc thù như nhiều đại biểu đề cập. Hiện chúng ta còn tháng 11, tháng 12 của năm 2023 và tháng 1 năm 2024 để giải ngân vốn của năm 2022. Phó Thủ tướng mong muốn Quốc hội coi đây là trường hợp đặt biệt để cho phép chuyển nguồn năm 2022 đến 31/12/2024 để tránh bị cắt vốn sự nghiệp, trong khi nguồn vốn cho các chương trình rất hạn hẹp, mục tiêu đặt ra rất lớn lao. 

Về điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu, đối tượng, Phó Thủ tướng cho biết, hiện đang có nhiều vấn đề ở nội dung này, trong tháng 11, Chính phủ sẽ giải quyết cơ bản hơn một nửa số nội dung đã nêu. Các nội dung còn lại sẽ được giải quyết khi có cơ chế đặc thù phù hợp.

Theo Báo cáo của Chính phủ về kết quả 3 năm thực hiện Chương trình 1719 (dẫn số liệu báo cáo từ Bộ Tài chính):

Kết quả giải ngân vốn thực hiện Chương trình 1719 đến hết ngày 30/6/2023: nguồn ngân sách trung ương của các địa phương đạt khoảng 7.142 tỷ 753 triệu đồng (đạt 17%); trong đó vốn đầu tư phát triển là 5.638 tỷ 831 triệu đồng (đạt 22%), vốn sự nghiệp là 1.503 tỷ 922 triệu đồng (đạt 9%).

Đến tháng 9/2023 giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 (bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài sang năm 2023) đạt được khoảng 8.570.880 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch, trong đó:

- Đối với nguồn vốn của năm 2022 kéo dài sang năm 2023 giải ngân là: 2.826.224 tỷ đồng, đạt tỷ lệ là 59,6% kế hoạch.

- Đối với nguồn vốn của năm 2023: Giải ngân nguồn vốn của năm 2023 là 5.744.655 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 49% kế hoạch giao năm 2023, trong đó: 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60% kế hoạch vốn năm 2023 (Sơn La 70%; Yên Bái: 87%; Lạng Sơn: 74%; Phú Thọ: 63%; Quảng Ngãi: 64%; Khánh Hoà: 63%; Ninh Thuận: 66%; Lâm Đồng: 75%; Vĩnh Long: 85%;Tây Ninh: 70%; Sóc Trăng: 71%;  Hậu Giang: 99%); 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn năm 2023 (Tuyên Quang: 26%; Hoà Bình: 25%; Thanh Hóa: 29%; Hà Tĩnh: 0%; Bình Định: 27%; Phú Yên: 24%; Gia Lai: 28%; Đắk Nông: 19%; An Giang: 14%; Kiên Giang: 14%; Bạc Liêu: 0%). 

Tín Nghĩa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực