Dự án 8: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” là 1 trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia - phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: 2021 - 2025. Dự án hướng tới đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã và thôn đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu số trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn/lấy chồng nước ngoài trở về, người khuyết tật. Qua đó, đặt mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Trong thời gian qua, các địa phương triển khai dự án đã đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, thành lập và ra mắt nhiều mô hình cụ thể, thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS&MN.
Đa dạng các hình thức tuyên truyền
Hội LHPN tỉnh Bình Thuận đã chủ động thực hiện Dự án 8 với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng. Trong đó Hội chú trọng công tác tuyên truyền trên các nhóm Zalo, fanpage và trang thông tin điện tử của Hội để cập nhật, chia sẻ thông tin đến cán bộ, hội viên. Đồng thời tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội cấp huyện, xã và cán bộ các thôn ở địa bàn thực hiện các nội dung trong Dự án 8 như kỹ năng lập kế hoạch truyền thông, bình đẳng giới…
Đến nay, Hội đã triển khai 8 hội nghị tập huấn hướng dẫn triển khai thực hiện Dự án 8, hướng dẫn xây dựng câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, tổ truyền thông cộng đồng cho cán bộ huyện, xã, thôn triển khai dự án. Song song đó, khảo sát, thu thập thông tin, rà soát nắm thông tin, nhu cầu trong hội viên, phụ nữ, người dân vùng đồng bào DTTS và học sinh tại 5 trường THCS về kiến thức và công tác tuyên truyền, vận động BĐG, phòng, chống bạo lực gia đình; các mô hình tăng quyền năng kinh tế, thúc đẩy bình đẳng giới.... Đồng thời, Hội đang phát động cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông “Lắng nghe con nói” và tiếp tục tổ chức tập huấn chuyển giao các nội dung liên quan cho cán bộ cấp huyện, xã.
Theo kế hoạch, trong năm 2023, Hội LHPN tỉnh sẽ thành lập và duy trì hoạt động 20 tổ truyền thông cộng đồng; 5 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; 3 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; tổ chức các cuộc đối thoại chính sách và các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, truyền thông về BĐG… tại các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTS và miền núi trên địa bàn 4 huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Bắc Bình. Cùng với đó, xây dựng, phát triển tài liệu truyền thông; theo dõi, đánh giá để nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS và năng lực về bình đẳng giới cho già làng, người có uy tín, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
|
Tập huấn một số nội dung thực hiện Dự án 8 trên địa bàn huyện Thanh Sơn, Phú Thọ. |
Để hội viên, phụ nữ và nhân dân cùng nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tham gia giải quyết một số vấn đề cấp thiết liên quan đến phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS&MN, từ năm 2022 đến nay, các cấp Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đã và đang được triển khai tại các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thuỷ. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 100 “Tổ truyền thông cộng đồng”, 10 “Địa chỉ tin cậy”, tám CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại năm huyện triển khai dự án. Toàn tỉnh đã tổ chức 20 lớp tập huấn về các nội dung chuyên đề thực hiện Dự án 8 cho 1.582 người là cán bộ Hội chuyên trách cấp tỉnh, huyện và các ngành có liên quan, trên 40 buổi truyền thông thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà, phòng chống bạo lực gia đình tại các xã được triển khai dự án; truyền thông “Kỹ năng phòng vệ bản thân” cho học sinh tại các trường học; tổ chức hội nghị đối thoại chính sách với chủ đề phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại ba xã Xuân Viên, huyện Yên Lập, xã Hùng Xuyên, huyện Đoan Hùng, Tu Vũ, huyện Thanh Thủy.
Đồng thời, chỉ đạo các huyện phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai Cuộc thi “Sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng DTTS&MN lần thứ nhất” với tên gọi “Lắng nghe con nói” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Cuộc thi được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và sự tham gia của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái trong các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, lan tỏa các sáng kiến, sản phẩm truyền thông phù hợp với trẻ em DTTS, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng đồng bào DTTS&MN, xây dựng môi trường an toàn để trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện trong môi trường gia đình... Đến nay, đã có trên 1.200 tác phẩm (tranh vẽ, video) của các em học sinh tiểu học và THCS gửi về Hội LHPN tỉnh tham dự cuộc thi với chủ đề “Gia đình hạnh phúc”.
Hội LHPN huyện Thanh Sơn đã lựa chọn xây dựng mô hình điểm “Tổ truyền thông cộng đồng” tại các khu Xè 1, Xè 2 và khu Thành Công, thuộc xã Văn Miếu. Đến nay các mô hình bước đầu phát huy hiệu quả. Khác với các mô hình thông thường vốn chỉ có sự tham gia của hội viên, phụ nữ, mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” lại có sự phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể trong khu. Mỗi tổ truyền thông có bảy thành viên gồm: Bí thư chi bộ, trưởng khu, chi hội trưởng phụ nữ, đại diện Ban công tác Mặt trận, các đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng. Các thành viên đều được tập huấn kỹ năng viết tin, bài; lập kế hoạch truyền thông, tuyên truyền trên phương tiện truyền thông cấp xã, đảm bảo mỗi quý các tổ đều tổ chức được một hoạt động truyền thông cho phụ nữ, trẻ em và người dân.
Đồng chí Hà Thị Hồng Hái - Chủ tịch Hội LHPN xã, Phó trưởng ban điều hành Dự án 8 xã Văn Miếu cho biết: Trước các buổi sinh hoạt, tuyên truyền, các tổ truyền thông sẽ tiến hành họp để xác định các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại cùng một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em tại địa phương, khu dân cư để xây dựng nội dung, thông điệp và hoạt động truyền thông phù hợp nhằm mang lại hiệu quả, giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Từ đầu năm đến nay, ba tổ truyền thông của xã Lai Đồng đã tổ chức được sáu cuộc truyền thông cho phụ nữ, trẻ em và người dân. Nhờ đó, nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, tình trạng kết hôn sớm, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình ngày càng giảm.
Còn tại Đồng Nai, Bà Lê Thị Thái, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đồng Nai cho biết, công tác tuyên truyền về bình đẳng giới trong các tầng lớp phụ nữ, trong đó có phụ nữ DTTS là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt của tổ chức Hội. Hàng năm, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản; phòng, chống dịch bệnh, suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện nếp sống văn hóa mới; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan…
Thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai, năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới cho đồng bào DTTS tại 18 điểm trên địa bàn các huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Long Thành và TP. Long Khánh với trên 2,6 ngàn lượt người tham dự. Các cấp Hội còn thúc đẩy việc thành lập các chi, tổ, CLB phụ nữ DTTS với hàng ngàn thành viên tham gia. Từ đầu năm đến nay, Hội đã thành lập mới 4 CLB, Tổ phụ nữ DTTS. Tính đến nay, toàn tỉnh có 65 chi, tổ, CLB phụ nữ DTTS.
Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo
Song song với việc đa dạng hóa công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thực hiện Dự án 8, các cấp Hội LHPN đã triển khai xây dựng nhiều mô hình nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo tiếng nói của trẻ em gái như: Mô hình tổ truyền thông cộng đồng, Địa chỉ tin cậy, CLB thủ lĩnh của sự thay đổi…
|
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Quảng Bình và xã Trường Sơn trao hỗ trợ cho Tổ truyền thông cộng đồng. Ảnh: Ngọc Mai |
Tại Quảng Bình, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức thực hiện điểm Dự án 8 với hoạt động đầu tiên là thành lập tổ truyền thông cộng đồng ở 3 thôn, bản tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh.
Cũng tại xã biên giới này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ra mắt các mô hình địa chỉ tin cậy, tập huấn về bình đẳng giới tại 2 thôn và mô hình Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trường Sơn; đồng thời, ở cấp xã cũng thành lập thêm 6 tổ truyền thông cộng đồng tại 6 bản.
Các mô hình đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân tại địa bàn. Đặc biệt, thông qua hoạt động của các tổ truyền thông cộng đồng, bà con dân tộc Bru Vân Kiều đã được tiếp cận nhiều hơn với những kiến thức, như: Luật Bình đẳng giới; khuôn mẫu giới trong việc nhà; phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...
Sau khi thành lập các địa chỉ tin cậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Sơn đã tích cực truyền thông, giới thiệu cho người dân nói chung, phụ nữ nói riêng nắm vững thông tin, kỹ năng cần thiết nhằm giúp đỡ kịp thời những nạn nhân bị bạo lực gia đình.
Đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình đã thành lập 32 tổ truyền thông cộng đồng, 6 Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi và 19 địa chỉ tin cậy. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền về Dự án 8 trên các nhóm Zalo, fanpage và trang thông tin điện tử của Hội để cập nhật, chia sẻ thông tin đến cán bộ, hội viên trên địa bàn.
Có thể thấy, với nhiều cách làm và mô hình sang tạo việc tuyên truyền, triển khai Dự án 8 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) về “Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” của Hội LHPN các địa phương đã từng bước góp phần nâng cao nhận thức và trang bị những kiến thức cần thiết cho phụ nữ và trẻ em gái trong đồng bào dân tộc. Qua đó, thúc đẩy một cách mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em gái./.