|
Đồng chí Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng quà cho đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: XT) |
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025 được thực hiện trên địa bàn 131 xã, 588 thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các ngành, phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Ban Chỉ đạo, Tổ công tác các cấp được thành lập, kiện toàn đã phát huy hiệu quả hoạt động trong quản lý điều hành.
Các Sở, ban, ngành chủ trì các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần và UBND các huyện bám sát các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc để triển khai thực hiện nguồn vốn đã được giao; đồng thời hoàn thiện hồ sơ, thủ tục các danh mục dự án đầu tư để trình giao vốn năm 2022 theo quy định.
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc phân bổ vốn năm 2022 (đợt 1) cho 166/316 danh mục dự án, đạt 52,53%. Trong đó, Tương Dương 37/40 danh mục, đã hoàn thành 37/37 danh mục thuộc thẩm quyền cấp huyện phê duyệt; Anh Sơn 10/10 danh mục; Thanh Chương 03/03 danh mục; Tân Kỳ 12/12 danh mục; Quế Phong 10/42 danh mục, đã hoàn thành 10/39 danh mục thuộc thẩm quyền cấp huyện phê duyệt; Quỳ Châu 44/45 danh mục, hoàn thành 44/44 danh mục thuộc thẩm quyền cấp huyện phê duyệt; huyện Quỳ Hợp 36/39 danh mục, hoàn thành 36/36 danh mục thuộc thẩm quyền cấp huyện phê duyệt; Nghĩa Đàn 14/14 danh mục.
Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS thực hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An gồm 10 dự án (12 tiểu dự án), bao gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao nguồn nhân lực; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS và phát triển du lịch; Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Hiện nay, có 72/316 danh mục đã được phê duyệt đang tiến hành quy trình giao vốn. Các sở, ngành và UBND các huyện hiện đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện, giải ngân vào tháng 12/2022.
Về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, ngân sách Trung ương bố trí vốn đầu tư phát triển năm 2022 tổng kinh phí 15.587 triệu đồng, gồm 04 dự án định canh định cư tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong để thực hiện các nội dung san lấp mặt bằng, đường nội vùng, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt... Đến ngày 23/11/2022, cả 04 dự án đang hoàn thành quy trình phê duyệt để trình giao vốn năm 2022 theo quy định.
Về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc, Ngân sách Trung ương bố trí năm 2022 tổng kinh phí là 308.808 triệu đồng, thực hiện 235 danh mục dự án. Đến ngày 23/11/2022, UBND cấp huyện đã phê duyệt và được giao vốn năm 2022 cho 144/235 danh mục dự án với số kinh phí là 149.144 triệu đồng. Hiện nay, có 57 danh mục đã được phê duyệt đang tiến hành quy trình giao vốn, còn 34 danh mục đang hoàn thành thủ tục đầu tư...
Về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi, Chương trình đã thực hiện hỗ trợ đào tạo 2.546 lao động với kinh phí 11.730 triệu đồng (tỷ lệ giải ngân đạt 58%). Dự kiến tiến độ thực hiện cuối năm đạt 65% tổng số kinh phí được phân bổ. Việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã; xây dựng chỉnh sửa chương trình, hỗ trợ đầu tư mua sắm thiết bị... đã và đang tập trung triển khai thực hiện, phấn đấu cuối năm sẽ hoàn thành chỉ tiêu, kết quả giải ngân 100% kế hoạch...
Tuy nhiên, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là Chương trình mới, có nhiều nội dung, nhiều đầu mối chủ trì, quản lý, tổ chức thực hiện nên việc triển khai thực hiện có nhiều khó khăn. Các danh mục dự án thuộc Chương trình đều là dự án khởi công mới, việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thực hiện theo quy trình trong khi thời gian của năm 2022 còn lại không nhiều nên tiến độ thực hiện và giải ngân vốn trong năm khó hoàn thành theo quy định của Luật Đầu tư công.
Năm 2023, Nghệ An sẽ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao; tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Tỉnh tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan và địa phương trong việc triển khai thực hiện Chương trình; thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành và địa phương; có biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí…/.