|
Lễ khởi công xây dựng nhà "Mái ấm tình thương" cho phụ nữ nghèo tại xã Châu Hồng (ảnh do Hội Phụ nữ xã Châu Hồng cung cấp) |
Theo đó, HĐND tỉnh Nghệ An thống nhất hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị với mức hỗ trợ không quá 80% tổng chi phí cho một dự án, kế hoạch liên kết thực hiện trên địa bàn đặc biệt khó khăn; không quá 70% tổng chi phí cho một dự án, kế hoạch liên kết thực hiện trên địa bàn khó khăn và không quá 50% tổng chi phí cho một dự án, kế hoạch liên kết thực hiện trên địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư của chương trình. Cơ quan phê duyệt dự án, kế hoạch quyết định mức hỗ trợ cụ thể nhưng không quá 5 tỷ đồng/1 dự án, kế hoạch.
Đối tượng được áp dụng là hộ gia đình tại các xã, thôn (bản) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ưu tiên hộ nghèo, cận nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động, hộ sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn.
Các doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số và các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan trong quá trình triển khai thực hiện.
Các hộ gia đình, doanh nghiệp thuộc phạm vị trên sẽ được hỗ trợ trên được hỗ trợ 5 nội dung gồm: (1) Tư vấn xây dựng liên kết; chi phí khảo sát đánh giá tiềm năng phát triển chuỗi giá trị; tư vấn xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, chế biến, quy trình kỹ thuật, đánh giá thị trường, phương án phát triển thị trường. (2) Hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất; tập huấn nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản trị chuỗi và phát triển thị trường. (3) Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất và quản lý, chất lượng đồng bộ theo chuỗi; quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và dán nhãn sản phẩm. (4) Hỗ trợ vật tư nguyên liệu, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, công cụ, dụng cụ, trang thiết bị phục vụ sản xuất, cung ứng dịch vụ. (5) Hỗ trợ xây dựng và quản lý dự án, kế hoạch.
Đồng thời, hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng với mức hỗ trợ không quá 95% tổng chi phí cho một dự án, phương án trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, thôn (bản) đặc biệt khó khăn. Cơ quan phê duyệt dự án, phương án quyết định mức hỗ trợ cụ thể nhưng không quá 5 tỷ đồng/1 dự án, phương án.
Đối tượng có phương án, dự án tại các địa bàn trên được thụ hưởng là hộ gia đình, nhóm hộ, tổ hợp tác tại các xã đặc biệt khó khăn, thôn (bản) đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ưu tiên hộ nghèo là người dân tộc thiểu số; hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động. Ưu tiên dự án do nhóm hộ, tổ hợp tác có trên 50% số thành viên là phụ nữ đề xuất.
Cụ thể, có 7 nội dung được hỗ trợ là: (1) Hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất theo nhu cầu của thành viên tổ nhóm; tập huấn nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, năng lực quản lý và vận hành tổ nhóm. (2) Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất; quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và dán nhãn sản phẩm. (3) Hỗ trợ vật tư nguyên liệu, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, công cụ, dụng cụ, trang thiết bị phục vụ sản xuất, cung ứng dịch vụ. (4) Hỗ trợ cán bộ trực tiếp đến tận hộ gia đình tư vấn, hướng dẫn thực hiện dự án cho đến khi có kết quả. (5) Hỗ trợ tổ chức đi thực tế học tập các dự án có hiệu quả giữa các địa phương. (6) Hỗ trợ dạy nghề, hướng nghiệp, tiếp cận thị trường, tạo việc làm. (7) Hỗ trợ xây dựng và quản lý dự án, phương án./.