Nghệ An: Phấn đấu đảm bảo và đẩy nhanh tiến độ triển khai "Chương trình 1719"

Thứ bảy, 21/10/2023 09:52
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Trước tình hình còn nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cũng như việc giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Nghệ An đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp tìm cách tháo gỡ, phấn đấu đảm bảo và đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình.

Nhiều địa phương xin điều chỉnh kế hoạch vốn

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2025 tại tỉnh Nghệ An thực hiện trên địa bàn 12 huyện, thị xã, gồm 131 xã (76 xã khu vực III, 55 xã khu vực I) theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Trên địa bàn tỉnh được triển khai 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung hỗ trợ đầu tư, có 08 sở, ngành và 12 huyện, thị xã được giao chủ trì, quản lý, tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 tại các địa phương của tỉnh Nghệ An đang chậm về tiến độ thực hiện cũng như giải ngân vốn. Thậm chí, đang có tình trạng nguồn vốn thực hiện một số dự án phải xin điều chuyển, giảm so với kế hoạch ban đầu.

Nghệ An quan tâm triển khai bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa: Thành Châu 

UBND huyện Tương Dương vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh Nghệ An, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc tỉnh xin điều chuyển, giảm kế hoạch vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp, với lí do điều chỉnh danh mục.

Cụ thể, với nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2022 điều chuyển, giảm là 12 tỷ 722 triệu đồng ở dự án 2, dự án 4, dự án 5, dự án 6; năm 2023 điều chuyển, giảm 1 tỷ 85 triệu đồng ở Dự án 4. Đồng thời, đề xuất điều chuyển, giảm kế hoạch vốn sự nghiệp năm 2022 là 2 tỷ 053 triệu đồng ở Dự án 9 và năm 2023 là 138 tỷ 541 triệu đồng ở các Dự án 3, Dự án 5, Dự án 9.

Đến hết tháng 9/2023, nguồn vốn đầu tư đã giải ngân trên địa bàn huyện Tương Dương là 13,43%, tương ứng khoảng 39 tỷ đồng (chủ yếu của năm 2022); nguồn vốn sự nghiệp cũng chỉ mới giải ngân 38,85%, tương ứng 281 tỷ 766 triệu đồng (từ năm 2022 đến nay).

Tại huyện Kỳ Sơn, sau khi rà soát tiến độ thực hiện các công trình, và kế hoạch các nguồn vốn đầu tư phát triển cũng như vốn sự nghiệp trong 2 năm 2022 và 2023, UBND huyện Kỳ Sơn  đã xin điều chỉnh tăng, giảm nguồn vốn thực hiện nhiều dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025. Đáng chú ý, đã có nhiều tiểu dự án, dự án thực hiện nguồn vốn sự nghiệp có kế hoạch thực hiện trong năm 2022 và 2023 được đề xuất điều chuyển sang năm kế tiếp để triển khai.

Cụ thể, huyện Kỳ Sơn đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn Dự án 2 và Tiểu Dự án 1, Dự án 4, với tổng mức đầu tư 16 tỷ 13 triệu đồng vào năm 2023. Trong đó, điều chỉnh giảm Dự án 2 là 12 tỷ 83 triệu đồng và Tiểu Dự án 1, Dự án 4 là 3 tỷ 3 triệu đồng.

UBND huyện Kỳ Sơn cũng xin điều chỉnh nội dung thực hiện Chương trình MTQG 1719 nguồn vốn sự nghiệp năm 2022 và năm 2023 kéo dài sang năm 2024, như: Mục “hỗ trợ học nghề” thuộc nội dung 3 “hỗ trợ chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán” của Dự án 1; Tiểu Dự án 1 “phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân” của Dự án 3; Tiểu Dự án 2 “hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị vung trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN” của Dự án 3; Tiểu Dự án 1 “Đầu tư phát triển KT - XH nhóm DTTS rất ít người, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù” của Dự án 9; Tiểu Dự án 2 “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN” của Dự án 9; Tiểu Dự án 2 “ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS&MN”...

Qua tìm hiểu, được biết, có những dự án, tiểu dự án xin điều chỉnh năm thực hiện, là do thiếu hướng dẫn cụ thể để triển khai. Chẳng hạn, với nội dung hỗ trợ "chuyển đổi nghề" theo nội dung 3 "hỗ trợ chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán" của Dự án 1, hiện nay đang thiếu quy định về định mức hỗ trợ đất sản xuất nên chưa thực hiện.

Giờ học tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Tương Dương, Nghệ An. 

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 tại huyện Con Cuông được phê duyệt 50 dự án. Trong hai năm 2022 và 2023, huyện được phê duyệt kế hoạch vốn bố trí cho 43 dự án. Tuy nhiên, căn cứ theo tiến độ thực hiện các tiểu dự án, dự án, huyện Con Cuông đã đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn cho phù hợp tình hình.

Theo đó, đối với nguồn vốn đầu tư, huyện Con Cuông điều chỉnh giảm kế hoạch nguồn vốn năm 2022 và 2023 đối với 6 dự án có tổng mức 23 tỷ 52 triệu đồng gồm: đường liên xã Cam Lâm - Lạng Khê; cải tạo, nâng cấp trạm y tế xã Lục Dạ; xây dựng, cải tạo một số hạng mục trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Châu Cam; xây dựng trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Con Cuông; xây dựng Trường Tiểu học Môn Sơn và Trường Mầm non Môn Sơn, điểm trường bản Cò Phạt; xây dựng mới một số hạng mục Trường Mầm non Thạch Ngàn.

Còn với nguồn vốn sự nghiệp, năm 2022 và 2023, nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 - 2025 phân bổ cho huyện Con Cuông 165 tỷ 27 triệu đồng. Tuy nhiên, bám sát kế hoạch và tiến độ thực hiện, huyện Con Cuông điều chuyển, đề xuất trả nguồn kinh phí sự nghiệp năm 2022 là 18 tỷ 852 triệu đồng; điều chuyển, đề xuất trả nguồn kinh phí sự nghiệp năm 2023 là 77 tỷ 288 triệu đồng. Như vậy, tổng kinh phí đề xuất trả nguồn sự nghiệp năm 2022 và 2023 của huyện là 96 triệu 14 triệu đồng.

Phấn đấu đảm bảo và đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình

Trước tình hình còn nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến việc thực hiện cũng như giải ngân vốn thuộc Chương trình MTQG 1719, tỉnh Nghệ An đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp tìm cách tháo gỡ, nhằm phấn đấu đảm bảo và đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình. Tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp để nhìn nhận rõ nguyên nhân, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc; thành lập các tổ công tác, thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương...

Tại Hội nghị giao ban toàn tỉnh về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, 3 chương trình MTQG được tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh: Nguồn vốn đầu tư công, vốn 3 Chương trình MTQG có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp thúc đẩy tăng trưởng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của người dân… Vì vậy, việc giải ngân các nguồn vốn này là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu của các cấp chính quyền với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất và tinh thần trách nhiệm cao nhất. Chính quyền phối hợp với cấp ủy các địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời các địa phương, sở, ngành phải tập trung giải quyết các vướng mắc, khó khăn.

Là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 - 2025, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ, quyết liệt, trách nhiệm với các sở ngành liên quan để tìm hướng tháo gỡ.

Với những vướng mắc do chưa có quy định về định mức giao đất ở, định mức bình quân đất sản xuất để thực hiện Dự án 1 giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; ngày 7/8/2023, Ban Dân tộc tỉnh đã có tờ trình gửi Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành quyết định quy định mức đất ở, định mức bình quân đất sản xuất. Ngày 10/10/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 26/2023/QĐ-UBND quy định về định mức đất ở, định mức bình quân đất sản xuất thực hiện Dự án 1, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Với những vướng mắc do chưa có quy định về nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất cộng đồng để thực hiện Tiểu Dự án 2, Dự án 3; ngày 14/8/2023, Ban Dân tộc tỉnh đã có tờ trình số 635 gửi UBND tỉnh đề nghị trình HĐND tỉnh bổ sung danh mục, ban hành Nghị quyết Quy định về nội dung, mức hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN với các nội dung cụ thể, rõ ràng. Ngày 11/9/2023, HĐND tỉnh Nghệ An đã nhất trí thông qua Nghị quyết.

Quyết định số 26/2023/QĐ-UBND về định mức đất ở, định mức bình quân đất sản xuất thực hiện Dự án 1 và Nghị quyết Quy định về nội dung, mức hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN được ban hành và thông qua là những cơ sở pháp lý quan trọng tháo gỡ các vướng mắc để các địa phương của tỉnh Nghệ An bắt tay thực hiện chương trình MTQG 1719.

Để Chương trình MTQG 1719 triển khai có hiệu quả, Ban Dân tộc tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các sở ngành chủ trì các dự án như: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (chủ trì Tiểu Dự án 1, Dự án 3), Sở Lao động Thương binh và xã hội (chủ trì Tiểu Dự án 3, Dự án 5), Sở Văn hóa thể thao, du lịch (chủ trì Dự án 6), Sở Y tế (chủ trì Dự án 7 và nội dung trồng cây dược liệu quý), Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh (chủ trì Dự án 8), Sở Thông tin và Truyền thông (chủ trì nội dung ứng dụng công nghệ)… và các địa phương tiếp tục quan tâm đẩy mạnh việc giải ngân vốn./.

Thùy Linh (th)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực