>>> Chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi
Chiều 24/11, tiếp tục Hội thảo với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để thông tin chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch hợp tác, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (gọi tắt là Chương trình MTQG DTTS và miền núi) giai đoạn 2021 – 2025, các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung thảo luận rất trọng tâm vào các chủ đề chính của Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nhu cầu huy động, đa dạng hóa các nguồn vốn cho Chương trình MTQG; bài học kinh nghiệm thành công và kết nối hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất tại vùng đồng bào DTTS và miền núi; chia sẻ định hướng và đề xuất cơ chế hợp tác hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi thông qua Chương trình; chia sẻ định hướng thành lập mạng lưới trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Các ý kiến phát biểu và trao đổi tại Hội thảo cho thấy vai trò quan trọng của việc huy động sự tham gia của đông đảo các đối tác trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi nói riêng và công tác dân tộc nói chung, cụ thể là hệ thống chính sách dân tộc thông qua việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Đáng chú ý, những chia sẻ của các tổ chức quốc tế là những bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
|
Chia sẻ của các đại phương tại Hội thảo. |
Chia sẻ tại Hội thảo, Giám đốc điều hành WB tại Việt Nam Stefani Stallmeister chúc mừng Việt Nam đã đạt được thành công trong giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, bà Stefani Stallmeister cũng cho rằng, vùng đồng bào DTTS và miền núi của Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn, người DTTS vẫn phải đối mặt với tình trạng nghèo phổ biến. Chương trình MTQG DTTS và miền núi và các chính sách dân tộc trong giai đoạn mới với cách tiếp cận mới đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Để thúc đẩy sự triển vùng đồng bào DTTS và miền núi của Việt Nam, bà Stefani Stallmeister khuyến nghị cần tăng cường nguồn vốn con người, phát triển giáo dục, cải thiện suy dinh dưỡng trẻ em; hoàn thiện thể chế, tăng cường phối hợp thực hiện giữa ba Chương trình MTQG; tăng cương hơn nữa các cơ hội, đầu tư về hạ tầng, giúp đồng bào DTTS tiếp cận công nghệ.
Giám đốc điều hành WB tại Việt Nam Stefani Stallmeister khẳng định, WB sẽ tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho Uỷ ban dân tộc trong triển khai chính sách dân tộc trong giai đoạn mới. Đặc biệt hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, kiến thức toàn cầu trong triển khai Chương trình MTQG DTTS và miền núi.
Tại Hội thảo, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis nhấn mạnh, Hội thảo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo cơ hội hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam trong triển khai Chương trình MTQG DTTS và miền núi.
Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định: Chương trình MTQG DTTS và miền núi là minh chứng cho cam kết của Chính phủ Việt Nam, bảo đảm mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
Bà Pauline Tamesis khuyến nghị giải pháp đẩy mạnh quan tâm đến nguồn lực con người. Đẩy mạnh tương tác phối hợp, đối thoại, điều chỉnh chính sách phù hợp. Giảm nhẹ hậu quả thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Đa dạng hóa các mô hình sinh kế. Xây dựng được lộ trình giảm nghèo phát triển bền vững, bảo đảm tính công bằng.
|
Đại diện các tổ chức nước ngoài chia sẻ tại Hội thảo. |
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh gửi lời cảm ơn tới các đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương, các chuyên gia trong nước và quốc tế đại diện cho các nhà tài trợ, các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã đến tham dự và chia sẻ nhiều thông tin hết sức quý báu, hữu ích trên tinh thần xây dựng và ủng hộ cao cho việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, qua những chia sẻ từ các tổ chức quốc tế, Ban Tổ chức đánh giá rất cao vai trò của các đối tác phát triển, các nhà tài trợ trong nước và quốc tế trong Hội thảo này, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm từ các đối tác quốc tế trong lĩnh vực giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh bày tỏ, Hội thảo cũng nhận được nhiều chia sẻ từ đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại vùng DTTS và miền núi. Qua các bài tham luận được chuẩn bị công phu cùng với nhiều ý kiến trao đổi chất lượng của các đại biểu các nội dung theo chủ đề của Hội thảo, Ban Chỉ đạo Trung ương và đặc biệt là Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành chủ dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG DTTS và miền núi cũng thu nhận được nhiều ý tưởng, quan điểm và các khuyến nghị chính sách rất cụ thể để làm bài học cho triển khai thực hiện chương trình tại các địa phương.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh kiến nghị các bộ, ngành tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả Chương trình; các địa phương tiếp tục vào cuộc, chia sẻ kinh nghiệm hay trong thực hiện Chương trình trên địa bàn; các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, chung tay với các cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục triển khai huy động nguồn lực, kinh nghiệm sẵn có để triển khai có hiệu quả hơn sự hỗ trợ cho sự phát triển vùng nông thôn Việt Nam nói chung, vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh bày tỏ tin tưởng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm bằng hành động cụ thể của các ngành, các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương, đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình, hiệu quả và thiết thực của các đối tác phát triển, các doanh nghiệp… chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào mục tiêu hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Chương trình MTQG DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025./.