Ninh Thuận: Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả khá

Thứ hai, 04/12/2023 16:28
(ĐCSVN) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận, tổng vốn đã bố trí trong 3 năm (2021 - 2023) thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình) trên địa bàn tỉnh là trên 612 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển trên 310 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 302 tỷ đồng.

Mặc dù kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 thực tế mới triển khai được một năm trong khi nội dung, đối tượng của Chương trình có nhiều điểm mới nên việc tiếp cận các dự án đầu tư còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tỉnh Ninh Thuận luôn xác định công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình là nhiệm vụ trọng tâm; giao trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan, đơn vị; công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát tiến độ và giải ngân nguồn vốn được thực hiện thường xuyên, liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương nên đã góp phần xử lý kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã làm thay đổi nhận thức của đa số đồng bào từ chỗ trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước chuyển sang chủ động, tích cực trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội  (Ảnh: Phương Liên)

Đến cuối năm 2022, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là 32,4 triệu đồng, tăng 3,19 triệu đồng so với năm 2020, đạt 55,5% mục tiêu đến năm 2025.

Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi là 17,73%, giảm 4,73% so với năm 2021, kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 là giảm 3%/năm.

Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hoá đạt 97,56%; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt 80%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 99,93%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95,33%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh đạt 96%; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số dang cư trú tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở được quy hoạch sắp xếp, di dời, bố trí đạt 90%...

Theo đánh giá của UBND tỉnh Ninh Thuận, Chương trình đã tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số…

Chương trình cũng đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, từ chỗ trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tích cực trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh kế hoạch vốn sự nghiệp hàng năm nguồn ngân sách trung ương trong nội bộ Chương trình. Theo tỉnh, việc giao dự toán chi ngân sách trung ương chi tiết theo từng loại sự nghiệp, theo dự án, tiểu dự án thành phần từ Trung ương về địa phương thực hiện hàng năm đã làm hạn chế sự chủ động của địa phương.

Nhằm giảm bớt thủ tục hành chính phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh chi tiết dự án thành phần này sang dự án thành phần khác trong cùng một Chương trình, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép địa phương được chủ động điều chuyển nguồn vốn sự nghiệp giữa các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương, đảm bảo thực hiện Chương trình hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực của ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép người dân ở các xã khu vực III, khu vực II khi đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được hưởng các chế độ an sinh xã hội thêm ít nhất 5 năm kể từ khi đạt chuẩn để giảm bớt khó khăn cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngoài đối tượng thụ hưởng Tiểu dự án 1, Dự án 3: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân là hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống tại các xã khu vực III, khu vực II, tỉnh Ninh Thuận đề nghị bổ sung đối tượng được hỗ trợ tại địa bàn các thôn đặc biệt khó khăn, các xã khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đảm bảo chính sách được bao phủ rộng khắp và công bằng./.

Thuý Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực