Phụ nữ vùng cao làm giàu trên vùng đất khó

Thứ năm, 24/11/2022 17:18
(ĐCSVN) - Thông qua các hoạt động của các cấp Hội phụ nữ, nhiều chị em dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa thời gian qua đã nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Họ là những điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, nỗ lực vượt khó khăn, vươn lên thay đổi cuộc sống cũng như góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Phụ nữ vùng cao Quang Bình cùng nhau làm kinh tế giỏi

Xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang thuộc xã khó khăn vùng II, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ). Xã có 97% là dân tộc Tày và đều mang họ Hoàng. Còn lại là dân tộc Kinh từ miền xuôi lên làm kinh tế. Dân cư trong xã sống tập trung thành các thôn: Chang, Trung, Chì, Mới, Tịnh, Kiêu, Then, Quyền, Bản Tát. Nhìn từ trên cao, xã như một lòng chảo, rất thuận lợi cho canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp. .

Với tinh thần cần cù, chịu khó, không cam chịu cái khó, cái nghèo, những năm qua, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được các hộ nông dân trên địa bàn huyện Quang Bình tích cực hưởng ứng. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, từng bước vươn lên làm giàu bằng chính đôi tay, khối óc của mình. Gia đình chị Hoàng Thị Cho, thôn Quyền, xã Xuân Giang là một tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế tổng hợp. Với thế mạnh đất vườn đồi, chị trồng rừng và phát triển chăn nuôi. Gia đình chị đã xây dựng được mô hình chăn nuôi lợn khá hiệu quả, mỗi năm chị xuất bán 6 lứa, mỗi lứa trên 1 tấn lợn thịt, mang về nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đồng thời, chị cùng với gia đình cải tạo, trồng vườn cây keo lai với diện tích trên 3ha. Dưới tán keo lai, chị trồng cây ngô, sắn để làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và bán ra thị trường. Mỗi năm, thu nhập từ keo lai và gia cầm cũng mang về cho gia đình chị trên dưới 100 triệu đồng.

Chị Hoàng Thị Duyên, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang vừa làm kinh té giỏi vừa tích cực vận động những hội viên khác cùng nhau xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả. 

Trên địa bàn huyện Quang Bình, ở xã Tân Trịnh, cũng thuộc xã khó khăn vùng II, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, có chị  Hoàng Thị Duyên, từ cuộc sống khó khăn đã cố gắng học tập, lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Chị vay vốn, xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá và trồng rừng. Sau nhiều năm gây dựng, gia đình đã có thu nhập từ hàng trăm con dê, gia cầm, cá, và 6 ha rừng trồng cây keo, mỡ, cam, chè; lạc. Không chỉ chăm lo làm giàu cho gia đình mình, chị Hoàng Thị Duyên còn tích cực vận động những hội viên khác cùng nhau xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, góp phần giảm nghèo, làm giàu chính đáng ngay chính trên mảnh đất quê hương.

Tại xã Vĩ Thượng, chị Nông Thị Hót, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chỉ đạo triển khai sâu rộng, hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động, như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, thu hút đông đảo hội viên tham gia, nhờ đó giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng tỷ lệ hộ khá trên địa bàn xã. Riêng gia đình chị xây dựng mô hình VAC trên diện tích đất rộng hơn 5ha. Trong đó, gồm khu trồng cam, khu trồng cây lâm nghiệp và hệ thống ao cá thả hơn 1.000 con cá trắm cỏ; cá bỗng, khu chăn nuôi với 2 con lợn nái, lợn thịt, hàng trăm con gà, vịt. Mỗi năm tổng thu trên 100 triệu đồng.

Phụ nữ Bru-Vân Kiều làm kinh tế giỏi

Dưới dãy Trường Sơn, vẫn núi rừng ấy, vẫn những mảnh đất khô cằn xưa, nhưng nhờ đổi thay ở cách nghĩ, cách làm với khát vọng vươn lên, bằng sự cần cù, chịu khó lao động, nhiều chị em phụ nữ đồng bào Bru Vân Kiều đã vươn lên khẳng định mình, không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn động viên, giúp đỡ mọi người cùng phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Mô hình chăn nuôi lợn rừng lai đem lại thu nhập ổn định cho chị Hồ Thị Xăm, bản Cây Cà, xã Trường Sơn. 

Chị Hồ Thị Xăm là một trong những gia đình thuộc vào diện đói nghèo của xã Cây Cà, quanh năm chỉ biết đốt nương làm rẫy và trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Với mong muốn thoát nghèo, chị Xăm không ngừng tìm tòi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm của những người đi trước để tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù vùng đồi núi Trường Sơn.

Tìm hiểu kĩ chị thấy nhu cầu tiêu thụ lợn rừng ngày càng cao, đặc biệt là lợn rừng do người dân bản địa nuôi, chị Xăm đã mạnh dạn vay vốn xây dựng mô hình nuôi lợn rừng lai F1. Khởi nghiệp với vốn liếng ít và chưa có kinh nghiệm, chị Xăm chỉ dám mua 3 con lợn giống về nuôi thử nghiệm. Để có thể tiết kiệm tối đa chi phí, vợ chồng chị tự tay làm chuồng trại, tận dụng các loại rau, lá cây quanh nhà để làm thức ăn cho lợn.

Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc chăn nuôi của gia đình chị gặp không ít khó khăn. Không nản lòng, chị đã tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi do các cấp hội tổ chức; học hỏi những người có kinh nghiệm ở địa phương để áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình mình.

Không chỉ chăm sóc đàn lợn rừng, chị Xăm còn mở rộng quy mô nuôi lợn sinh sản và bán giống cho người dân trên địa bàn. Từ 3 con lợn giống ban đầu, đến nay, chị đã mở rộng quy mô chuồng trại lên 60 con. Mỗi năm, gia đình chị xuất bán 10-15 con lợn thịt (giá bán 4,5-5 triệu đồng/con), 10-15 con lợn giống (giá bán 2,5 triệu đồng/con) cho thu nhập ổn định hơn 70 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, chị Xăm còn nuôi thêm 100 con gà kiến, 8 con trâu, bò và trồng hơn 1.000 cây gỗ sưa. Hầu như quanh năm, gia đình chị đều có nguồn thu nhập từ chăn nuôi. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định, gia định chị Xăm trở thành một trong những hộ điển hình thoát nghèo bền vững của xã. Cuộc sống của gia đình chị ngày càng ổn định, con cái có điều kiện học hành đến nơi, đến chốn.

Cũng là một tấm gương về sự thoát nghèo, nhìn cơ nghiệp của chị Hồ Thị Quế, bản Chân Trôộng hôm nay, ít ai nghĩ chị đã từng trải qua bao gian nan, vất vả. Những ngày tháng tất tả mưu sinh đã giúp chị nuôi ý chí vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Chị Quế cho biết, chị sinh ra trong một gia đình nghèo lại đông con, lớn lên lấy chồng, sinh con, cuộc sống lại càng khó khăn, túng thiếu. Nhiều đêm chị trăn trở, suy tính làm sao để cái đói, cái nghèo không còn đeo bám, để có tiền nuôi các con ăn học nên người. Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó của người phụ nữ Bru-Vân Kiều, chị đã bàn với chồng mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế. Những ngày đầu bắt tay vào làm, gia đình chị đã gặp phải muôn vàn khó khăn. Đồng vốn ít ỏi, không đủ để thuê nhân công nên ngày này qua tháng khác, hai vợ chồng chị cần mẫn cuốc đất khai hoang để trồng keo và sắn.

Vừa trồng trọt, chị vừa dành thời gian tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, vừa học hỏi kinh nghiệm của chị em trong xã. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và chú ý chăm sóc nên diện tích keo, sắn của gia đình chị phát triển rất nhanh. Đến nay, chị Quế đã có 3ha keo đang đến tuổi khai thác và 1ha sắn. “Cây sắn cho thu nhập ổn định 30 triệu đồng/năm, riêng cây keo vụ vừa rồi tôi bán được 55 triệu đồng”, chị Quế cho hay.

Không chỉ thành công với mô hình trồng keo, sắn, chị Quế còn nuôi thêm 13 con trâu, trồng lúa nước và rau màu các loại. Thời gian tới, chị dự định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại để nhân rộng mô hình chăn nuôi trâu. Tổng thu nhập của gia đình chị Quế hơn 60 triệu đồng/năm, với người dân ở các địa phương khác thì thu nhập như vậy là bình thường, nhưng đối với bà con dân tộc thiểu số thì đó là một số tiền rất lớn và là niềm mơ ước của rất nhiều người. Nhờ có thu nhập ổn định từ chăn nuôi, trồng trọt, gia đình chị Quế có điều kiện mua sắm các tiện nghi sinh hoạt, chăm lo cho các con đến trường.

Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế, chị Quế còn là chi hội trưởng phụ nữ nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Chị luôn tranh thủ thời gian gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em, từ đó động viên chị em cùng nhau vượt qua những rào cản về trình độ, tập tục lạc hậu để mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, từng bước xây dựng chi hội ngày càng vững mạnh. Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn Nguyễn Thị Mỹ Duyên chia sẻ: “Chị Hồ Thị Xăm và Hồ Thị Quế là những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế của phụ nữ Bru-Vân Kiều. Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, từ những hộ nghèo của địa phương, các chị đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Mô hình kinh tế của các chị không những mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn là tấm gương cho những hội viên khác noi theo”./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực