Rà soát đúng đối tượng, đúng quy định, đúng chính sách trong giải ngân vốn

Thứ hai, 28/11/2022 10:28
(ĐCSVN) – Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 được Trung ương phân bổ vốn thực hiện là 627.204 triệu đồng. Đến nay, việc giải ngân chậm do cần có nhiều thời gian rà soát, đánh giá để đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, đúng địa bàn, đúng chính sách, đúng quy định.

Về nguồn vốn thực hiện MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, ngày 28/5/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 652/QĐ-TTg về việc giao vốn kế hoạch đầu tư phát triển nguồn NSTW giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia và Quyết định số 653/QĐ-TTg về việc giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, đã giao riêng cho Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi dự kiến tổng số là 47.057,861 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025, năm 2022 là 14.429 tỷ đồng.

 Người dân Sìn Hồ (Lai Châu) chuẩn bị cho mùa ngô mới.

Từ đó, Ủy ban Dân tộc đã tổng hợp, dự kiến phương án phân bổ chi tiết kinh phí sự nghiệp năm 2022 theo lĩnh vực chi của Chương trình MTQG DTTS&MN, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành các quyết định về việc giao dự toán ngân sách bổ sung có mục tiêu kinh phí sự nghiệp từ NSTW cho ngân sách địa phương năm 2022 để thực hiện Chương trình và các quyết định giao dự toán kinh phí sự nghiệp nguồn NSTW năm 2022 cho các Bộ, cơ quan trung ương được giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, trình đề xuất phương án phân bổ vốn sự nghiệp ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025.

Tính đến hết tháng 10, Ủy ban Dân tộc đã ban hành 10 Nghị quyết, 04 công điện, 07 văn bản chỉ đạo; tổ chức 02 hội nghị trực tuyến, thành lập 06 tổ công tác, tiến hành 03 đợt kiểm tra để chỉ đạo tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công nói chung, trong đó có những nội dung cụ thể liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư của các Chương trình MTQG.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện ngày 04/8/2022 về việc tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Để bảo đảm chất lượng và tiến độ hoàn thành việc phân bổ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTG ngày 05/10/2022 về việc đẩy mạnh phân bổ, hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành việc phân bổ và giao kế hoạch vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương và vốn đối ứng của ngân sách địa phương; hoàn thiện các thủ tục phê duyệt dự toán chi tiết, phê duyệt dự án đầu tư để sớm tổ chức triển khai các nội dung, hoạt động của các Chương trình mục tiêu quốc gia; yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để có thể triển khai công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án ngay sau khi được thông báo bổ sung vốn.

 Rà soát đúng đối tượng, đúng quy định, đúng chính sách trong giải ngân vốn.

Ở cấp địa phương, đến 30/10, tiến độ giải ngân nguồn vốn của Chương trình năm 2022 trung bình chung ước đạt khoảng 6,71%. Các tỉnh tự cân đối ngân sách địa phương, bố trí vốn và giải ngân đạt khoảng 1.028,8 tỷ đồng, đạt kết quả giải ngân trên 60% kế hoạch; trong đó tỉnh Quảng Ninh là 565 tỷ đồng; TP Hà Nội là 240 tỷ đồng; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 222,493 tỷ đồng. Các tỉnh được bố trí vốn từ ngân sách Trung ương giải ngân được 12,395 tỷ đồng. Dự kiến đến 31/12/2022, các địa phương phấn đấu giải ngân ước đạt khoảng trên 90% nguồn vốn được cấp.

Theo Ủy ban Dân tộc, do yếu tố khách quan về thời điểm giao vốn muộn, việc phân bổ vốn và giải ngân nguồn vốn của chương trình cần tuân thủ theo quy định cụ thể về quy trình phân bổ vốn và tổ chức thực hiện của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công. Mặt khác, với đặc thù là chương trình mục tiêu quốc gia mới nên chưa có sự kế thừa kinh nghiệm triển khai; việc đảm bảo sự đồng bộ về quy định cơ chế chính sách tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn quy mô nội dung Chương trình lớn bởi tích hợp từ 118 chính sách; địa bàn thực hiện chính sách là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn… nên cần có nhiều thời gian rà soát, đánh giá để đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, đúng địa bàn, đúng chính sách, đúng quy định. Vì vậy, dự báo kết quả giải ngân, đặc biệt là kết quả giải ngân nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình năm 2022 của một số địa phương sẽ gặp nhiều thách thức trong thực tế triển khai thực hiện để đạt được kết quả giải ngân như đã đề ra theo kế hoạch./.

TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực