Sẽ phân cấp nhiều hơn cho địa phương chủ động thực hiện Chương trình 1719

Thứ hai, 30/10/2023 18:30
(ĐCSVN) - Chiều ngày 30/10/2023, tại kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XV, trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719), sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu.

Bày tỏ đồng tình, thống nhất cao với Báo cáo của Đoàn giám sát, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã nêu trong phiên họp. Về mô hình chỉ đạo của Ban chỉ đạo các cấp, hiện nay chưa thống nhất mô hình ở cấp địa phương. Đây là vấn đề thực tiễn đang đặt ra, mỗi địa phương có tổ chức mô hình khác nhau, tùy theo mục tiêu, đặc điểm của từng địa phương.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu

Do áp lực không làm phát sinh thêm cơ quan, bộ máy, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, các địa phương thường sử dụng Sở Kế hoạch Đầu tư làm cơ quan chủ trì cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, cũng như 3 đơn vị (Sở Lao động - Thương bin và Xã hội, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc) như phân công ở Trung ương. Riêng Chương trình nông thôn mới thì có thêm văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới đã được thành lập từ giai đoạn trước, tiếp tục hoạt động trong giai đoạn này. Đó là những mô hình bước đầu, chưa đảm bảo tính thống nhất nhưng đã đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình ở các địa phương. 

Thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ ngành, tham mưu với Chính phủ nghiên cứu, thiết kế mô hình thống nhất từ trung ương đến địa phương đảm bảo hiệu quả hơn.

Về hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, riêng với Ủy ban dân tộc đang là cơ quan chủ trì, đây là Chương trình rất lớn, lần đầu tiên được tích hợp từ các chính sách, văn bản có liên quan chính sách dân tộc ở các giai đoạn trước đây còn hiệu lực đến năm 2020, được tích hợp vào Chương trình cùng một số chính sách mới. Vì vậy, hệ thống chính sách của Chương trình có liên quan rất nhiều đến hệ thống văn bản pháp luật và các chủ trương chính sách giai đoạn trước còn hiệu lực với các quy trình, thủ tục các văn bản đang được hướng dẫn, được tích hợp trong giai đoạn này. Chính vì vậy, phải tích hợp rất nhiều văn bản để thực hiện. 

Chương trình này bao trùm 10 dự án ở nhiều lĩnh vực khác nhau, liên quan đến nhiều bộ ngành, địa phương, địa bàn rất rộng, nên hệ thống văn bản ban hành cần rất chi tiết, cụ thể, tuy nhiên có những nội dung chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định những điều đó. Chính vì vậy, trong quá trình ban hành, khối lượng văn bản là nhiều, có sự trùng lặp, vướng mắc giữa các văn bản pháp luật hiện đang có hiệu lực cùng với văn bản của các bộ ngành khác. Ủy ban Dân tộc cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành, tham mưu Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ vấn đề này trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực tiễn nảy sinh nhiều vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục tham gia giải quyết trong thời gian tới. 

 Kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XV

Về tốc độ giải ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, có nhiều lý do chủ quan, khách quan dẫn đến giải ngân chậm, trong đó vấn đề lớn nhất hiện nay là giải ngân vốn sự nghiệp, còn vốn đầu tư công không khó khăn trong giải ngân. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội việc phân quyền nhiều hơn nữa cho địa phương trong giải ngân vốn sự nghiệp.

Theo Báo cáo của Chính phủ về kết quả 3 năm thực hiện Chương trình 1719 (dẫn số liệu báo cáo từ Bộ Tài chính):

Kết quả giải ngân vốn thực hiện Chương trình 1719 đến hết ngày 30/6/2023: nguồn ngân sách trung ương của các địa phương đạt khoảng 7.142 tỷ 753 triệu đồng (đạt 17%); trong đó vốn đầu tư phát triển là 5.638 tỷ 831 triệu đồng (đạt 22%), vốn sự nghiệp là 1.503 tỷ 922 triệu đồng (đạt 9%).

Đến tháng 9/2023 giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 (bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài sang năm 2023) đạt được khoảng 8.570.880 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch, trong đó:

- Đối với nguồn vốn của năm 2022 kéo dài sang năm 2023 giải ngân là: 2.826.224 tỷ đồng, đạt tỷ lệ là 59,6% kế hoạch.

- Đối với nguồn vốn của năm 2023: Giải ngân nguồn vốn của năm 2023 là 5.744.655 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 49% kế hoạch giao năm 2023, trong đó: 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60% kế hoạch vốn năm 2023 (Sơn La 70%; Yên Bái: 87%; Lạng Sơn: 74%; Phú Thọ: 63%; Quảng Ngãi: 64%; Khánh Hoà: 63%; Ninh Thuận: 66%; Lâm Đồng: 75%; Vĩnh Long: 85%;Tây Ninh: 70%; Sóc Trăng: 71%;  Hậu Giang: 99%); 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn năm 2023 (Tuyên Quang: 26%; Hoà Bình: 25%; Thanh Hóa: 29%; Hà Tĩnh: 0%; Bình Định: 27%; Phú Yên: 24%; Gia Lai: 28%; Đắk Nông: 19%; An Giang: 14%; Kiên Giang: 14%; Bạc Liêu: 0%). 

Quang Thắng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực