Sơn La: 5 nhóm giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Thứ sáu, 02/12/2022 03:07
(ĐCSVN) – Để khắc giải quyết các vấn đề khó khăn đang tồn tại, tỉnh Sơn La đã đề ra 5 nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian tới…
Xòe Thái-nét văn hóa đặc trưng của Sơn La và các tỉnh Tây Bắc được công nhận là di sản phi vật thể đại diện nhân loại.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, qua việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La trong giai đoạn vừa qua được đã đạt một số kết quả cụ thể. Các chương trình, chính sách dân tộc đã và đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh hiện nay đều đã xác định rõ mục tiêu cơ bản là phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi phải gắn với đổi mới cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất theo hướng chuyển sang sản xuất hàng hóa; gắn phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh.

Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số, trong giai đoạn qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách giành cho dân tộc như: Chương trình 135 về Chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Quyết định 143 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo và việc làm giai đoạn 2001-2005; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”; Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2021”… Nội dung của các chính sách giai đoạn vừa qua đều tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giảm nghèo; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; phát triển sản xuất trong nông, lâm nghiệp, thủy sản; phát triển y  tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa; tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, định canh định cư và ổn định đời sống cho người dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn; phát triển kinh tế - xã hội cho dân tộc thiểu số rất ít người; phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số…Các chương trình, chính sách trên đã đem lại những hiệu quả tích cực vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã có sự phát triển mạnh mẽ hơn, phong phú và đa dạng hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm trung bình 4-5%/năm.

Nêu lên những vấn đề khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trên địa bàn tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho biết: Vùng đồng bào dân tộc thiếu số nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng xâu, vùng xa, biên giới của tỉnh vẫn là vùng chậm phát triển so với sự phát triển của các khu vực khác của tỉnh; thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, còn2 huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo còn cao >37%, tỷ lệ hộ nghèo vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh còn cao (một số xã, bản tỷ lệ hộ nghèo còn >70%), số xã khu vực III của tỉnh vẫn còn gia tăng (125 xã), nguy cơ tái nghèo cao; kết cấu hạ tầng còn thiếu; kết quả giảm nghèo chưa bền vững; khả năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của đồng bào các dân tộc còn hạn chế; mức thụ hưởng văn hóa của đồng bào có nơi còn thấp; chất lượng giáo dục, y tế còn có mặt hạn chế; một số tập quán, phong tục lạc hậu vẫn còn diễn ra; di dịch cư tự do, tranh chấp đất đai và các hành vi buôn bán vận chuyển, sử dụng trái phép các chất ma túy… nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới của tỉnh còn xảy ra do các nguyên nhân như địa bàn vùng đồng bào dân tộc rộng, địa hình phức tạp, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, đi lại khó khăn; nguồn lực đầu tư, hỗ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu; việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc còn hạn chế; các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng khó khăn trên để chia rẽ, chống phá, gây mất ổn định chính trị; một bộ phận nhân dân vùng đồng bào dân tộc còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện các chính sách dân tộc ở một số sở, ban, ngành, các huyện còn hạn chế; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc ở một số nơi hiệu quả chưa cao.

Để khắc giải quyết các vấn đề khó khăn trên, tỉnh Sơn La đã đề ra 5 nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian tới.

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể xã hội về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc trong tình hình mới; xác định công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Hai là, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, sử dụng và bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ đối với con em là người dân tộc thiểu số địa phương, đồng thời phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để cùng tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, tham gia công tác xóa đói giảm nghèo và theo dõi, giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng vùng, từng địa phương đảm bảo cho đồng bào dân tộc thiểu số khai thác được thế mạnh của địa phương nhằm làm giàu cho gia đình và xã hội. Xây dựng kết cấu hạ tầng mà trước hết là giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, điện thắp sáng, trạm y tế, trường lớp học và các công trình phúc lợi công cộng khác.

Bốn là, phát triển nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hóa hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Khai thác tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, khoáng sản, danh lam thắng cảnh, các thế mạnh của từng vùng, từng địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội.

Năm là, nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục đào tạo, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho đồng bào, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số; tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; tổ chức tốt các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao, thông tin tuyên truyền ở cơ sở; nâng cao thời lượng, chất lượng các chương trình phát thanh - truyền hình bằng tiếng dân tộc; tăng cường việc sưu tầm, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở; đào tạo, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc ở các cấp.

Ban Dân tộc tỉnh Sơn La xá định, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước luôn được quán triệt và triển khai thực hiện nhất quán theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ trên tinh thần tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững độc lập, thống nhất Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị; xây dựng ý thức tinh thần tự lực, tự cường xây dựng đất nước; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân là trách nhiệm, nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và toàn xã hội. /.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực