Sơn La: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thứ hai, 21/08/2023 10:43
(ĐCSVN) - Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), tỉnh Sơn La đã chủ động, quyết liệt trong công tác tổ chức quản lý, chỉ đạo, điều hành và cơ chế, chính sách, hướng dẫn triển khai thực hiện, qua đó đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực.
 Luyện tập biểu diễn văn nghệ của phụ nữ xã Mường Thải, Phù Yên, Sơn La. (Ảnh minh họa)

Chủ động, quyết liệt trong công tác tổ chức, quản lý chương trình

Quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, kịp thời. Chương trình được chỉ đạo thực hiện bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, từ đó tạo sự nhất quán, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình theo quy định; tạo điều kiện cho chính quyền, địa phương thực hiện kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân, được người dân đồng tình tham gia hưởng ứng.

Theo đó, để triển khai Chương trình, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 626/QĐ-UBND ngày 12/4/2022 thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; thành lập các tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh; phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố đã thành lập, ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp huyện (tổng cộng 12/12 huyện, thành phố; đạt tỷ lệ 100%). Trong đó, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị và Uỷ ban nhân dân cấp xã triển khai thực hiện các nội dung chính sách của Chương trình. Ban Chỉ đạo các cấp có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tỉnh ủy Sơn La ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 33/2022/NQ-HĐND ngày 29/6/2022 về ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La. Trong đó, đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ngành, UBND cấp huyện chủ trì tổ chức thực hiện công tác quản lý, giám sát, báo cáo việc triển khai thực hiện Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ của ngành và địa bàn quản lý của địa phương. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2280/QĐ-UBND ngày 02/11/2022 về giao nhiệm vụ thực hiện nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022; UBND các huyện, thành phố đã tiếp tục phân cấp quản lý thực hiện các nội dung thành phần của Chương trình tới cấp cơ sở...

UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ quản lý ngành, lĩnh vực, địa bàn và nhiệm vụ chủ trì thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình được phân công tại Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo để chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định. Ban Dân tộc, các sở, ngành, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các phòng chuyên môn cấp huyện đã và đang tổ chức mở các lớp tập huấn để nâng cao năng lực cho các chủ đầu tư, cán bộ các cấp, cộng đồng, người dân tham gia thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình. Trong đó, đã giao Ban Dân tộc là cơ quan Thường trực, chịu trách nhiệm tham mưu, theo dõi, tổng hợp, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành; đồng thời, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, tổng hợp gửi về UBND tỉnh theo quy định.

Nhiều kết quả đáng khích lệ

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao và những chương trình, kế hoạch triển khai kịp thời, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt được một số kết quả bước đầu. Tỉnh đã hoàn thành phân bổ chi tiết 100% kế hoạch vốn, đạt 100% kế hoạch nguồn vốn ngân sách trung ương giao; đồng thời huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện Chương trình.

Kết quả giải ngân vốn ngân sách trung ương đến ngày 30/6/2023 được hơn 313,1 tỷ đồng, đạt 14,59% kế hoạch vốn giao. Trong đó: vốn đầu tư phát triển hơn 291,4 tỷ đồng, đạt 26,97% kế hoạch; vốn sự nghiệp hơn 21,7 tỷ đồng, đạt 2,04% kế hoạch. Ước giải ngân vốn ngân sách trung ương đến ngày 31/12/2023 được gần 2.146,8 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn giao. Trong đó: vốn đầu tư phát triển gần 1.080,4 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.

  Giới thiệu các đặc sản của tỉnh Sơn La tại Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình đạt kết quả khả quan như: Thu nhập bình quân của người dân đồng bào DTTS&MN đạt 21,68 triệu/người; Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 97,55%; Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 74%; Tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt 74,9%; Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 94,88%; Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 99,5%;  Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 94,88; Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 96,70%; Tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 93,5%....

Công tác thông tin, tuyên truyền các nội dung của Chương trình tiếp tục được triển khai sâu rộng, thu hút sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và cộng đồng người dân. Tỉnh đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, cung cấp tài liệu, thông tin, gặp mặt, tọa đàm cho 2.066 lượt người có uy tín; biểu dương, tôn vinh người có uy tín điển hình tiên tiến; tổ chức 28 hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật; phát hành 60.418 tờ gấp pháp luật... Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhất là cán bộ cấp xã, cấp bản và nhân dân về Chương trình được nâng lên.

Việc thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đạt nhiều kết quả,  đáng chú ý:  Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt: Hỗ trợ đất sản xuất: Ước thực hiện hỗ trợ đến ngày 31/12/2023 được 375 hộ, đạt 28,0% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Hỗ trợ chuyển đổi nghề: Ước thực hiện hỗ trợ đến ngày 31/12/2023 được 4.161 hộ, đạt 27,7% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán: Ước thực hiện đến ngày 31/12/2023 hỗ trợ cho 4.280 hộ, đạt 27,8% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung: Đầu tư 70 công trình nước sinh hoạt tập trung cho 4.550 hộ, ước thực hiện đến ngày 31/12/2023 đạt 100% kế hoạch giao.

Đối với dự Dự án 3 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tỉnh đã hỗ trợ bảo vệ rừng đối với 34.881 ha rừng quy hoạch là rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình; hỗ trợ 29.062 ha trồng rừng sản xuất, khai thác kinh tế dưới tán rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ. Với Dự án 4 về Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc, Sơn La đã thực hiện đầu tư xây dựng 351 công trình (năm 2022 và 2023 đã khởi công xây dựng 88 công trình). Kết quả giải ngân đến ngày 30/6/2023 được 193.921 triệu đồng đạt 30,23% kế hoạch vốn giao. Ước thực hiện đến ngày 31/12/2023 đạt 100% kế hoạch vốn giao.

Với Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, tỉnh đã tổ chức thực hiện các nội dung: Bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các DTTS; Khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ du lịch đối với 06 lễ hội; Xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận dối với 34 nghệ nhân; Tổ chức 25 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; Hỗ trợ hoạt động cho 60 đội văn nghệ truyền thống tại các bản vùng đồng bào DTTS&MN; Tổ chức Ngày hội, Giao lưu, Liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào DTTS; Tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống các dân tộc thiểu số trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu nhằm bảo tồn các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian của các DTTS; Đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích đối với 02 dự án; Chống xuống cấp di tich đối với 05 dự án; Hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo 40 nhà văn hóa bản; Hỗ trợ trang thiết bị cho 247 nhà văn hóa bản.

Đặc biệt, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, tỉnh Sơn La đã thực hiện đầu tư xây dựng 84 công trình; hỗ trợ phát triển sản xuất, sửa chữa các công trình trên địa bàn các bản có người dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù sinh sống tập trung, hỗ trợ bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, thông tin - truyền thông nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào trên địa bàn 03 huyện Thuận Châu, Mường La, Quỳnh Nhai. Tổ chức tập huấn về pháp luật hôn nhân và gia đình, tuyên truyền, vận động ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được 38 hội nghị với 14.409 lượt người tham gia; Hỗ trợ 45 cơ sở y tế cơ sở (TTYT huyện, Trạm y tế xã) triển khai mô hình tư vấn tiền hôn nhân, lồng ghép tuyên truyền vận động các em ở lứa tuổi vị thành niên hiểu về SKSS và không kết hôn sớm, không kết hôn cận huyết thống... 

Xác định việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN là nhiệm vụ quan trọng, qua đó khai thác tiềm năng, phát huy được thế mạnh, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS&MN; từng bước góp phần nâng cao mức sống, chất lượng dân số, sức khoẻ cho đồng bào DTTS, đặc biệt là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, tỉnh Sơn La đang nỗ lực đề ra các giải pháp đẩy mạnh tiến độ thực hiện chương trình, phấn đấu, nỗ lực thực hiện hoàn thành các mục tiêu Chương trình đặt ra./.

Hải Tiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực