Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của đồng bào DTTS

Chủ nhật, 01/10/2023 10:01
(ĐCSVN) - Với chủ đề “Làm mẹ an toàn - Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé”, mục tiêu của “Tuần lễ Làm mẹ an toàn” là tăng cường khả năng tiếp cận của đồng bào dân tộc thiểu số đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em.
Cán bộ y tế xã đến tận nhà sản phụ để thăm khám và kiểm tra chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh trong vòng 1.000 ngày đầu đời của bé

Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023 diễn ra (từ ngày 1/10 đến ngày 7/10) tại 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Trong tuần lễ này, các địa phương sẽ tăng cường mọi nguồn lực, thực hiện nhiều hoạt động nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và tạo sự ủng hộ toàn xã hội đặc biệt là chính quyền các cấp về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; tăng cường và nâng cao chất lượng các dịch vụ truyền thông, tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ thường/mổ đẻ;

Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động Chương trình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; chủ động và tích cực thực hiện các giải pháp trong Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt,… hướng tới không một bà mẹ và trẻ em Việt Nam nào bị bỏ lại phía sau.

Thời gian qua, các chỉ số về Sức khỏe bà mẹ và trẻ em mà Việt Nam đã đạt được là khá tốt so với nhiều quốc gia có tương đương mức thu nhập bình quân đầu người. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ về sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Tuy nhiên, so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á - về tử vong mẹ và tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, Việt Nam đang ở vị trí thứ 4. So với các nước phát triển, Việt Nam đang còn khoảng cách khá xa. Đồng thời, còn có sự chênh lệch, khác biệt khá lớn về tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, cao gấp 2 đến 3 lần so với vùng thành thị, đồng bằng; tử vong mẹ giữa các dân tộc thiểu số so với người Kinh cao gấp nhiều lần…

Nguyên nhân chủ yếu là do việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau khi sinh của người dân cũng như chất lượng dịch vụ, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn hạn chế, gặp không ít khó khăn. Phong tục, tập quán trong chăm sóc, nuôi dưỡng bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em; tình trạng phụ nữ có thai không đi khám thai và quản lý thai, đẻ tại nhà vẫn còn khá phổ biến ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế và yếu về năng lực chuyên môn.

Do đó, mục tiêu của Chương trình là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn, tập trung vào nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở các vùng khó khăn nhằm góp phần giảm sự khác biệt về các chỉ tiêu sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030./.

Hoa Mai (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực