Tăng cường tuyên truyền về phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Thứ tư, 07/12/2022 17:16
(ĐCSVN) - Trong 3 ngày, từ 7 - 9/12/2022, tại Cà Mau, Vụ Dân tộc thiểu số - Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực, kỹ năng tuyên truyền về phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

90 đại biểu đại diện cho Ban Dân tộc tỉnh, cán bộ xã/thôn/bản, bí thư chi bộ, trưởng thôn/bản, chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên và người có uy tín đến từ 5 tỉnh: Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang tham dự Hội nghị. 

Hiện nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn xảy ra tình trạng người dân tộc thiểu số tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cụ thể, tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các tỉnh lần lượt như sau: tỉnh An Giang là 16,1% và 26,8‰; Sóc Trăng là 11,9% và 6,6‰; Trà Vinh là 10,5% và 6,7‰; Kiên Giang là 14,5% và 4,1‰; Cà Mau là 11,3% và không có hôn nhân cận huyết thống.

Ông Lưu Xuân Thủy - Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc cung cấp thông tin, số liệu về tình hình tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS. 

Trước thực trạng đó, phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Hoàng Nhỏ - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về vấn đề này.

Ông Lưu Xuân Thủy - Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh, tảo hôn và hôn nhân cận huyến thống là tập tục tồn tại lâu đời ở nhiều vùng, miền nhưng phổ biến vẫn là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, làm suy giảm chất lượng dân số và nguồn nhân lực của địa phương nói riêng và cả nước nói chung…

Dự án 9.2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025 đặt mục tiêu: Chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là nhóm các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù; Trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào năm 2025; Giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3% - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao; Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

90 đại biểu đến từ 5 tỉnh dự tập huấn.

Để góp phần đạt được các mục tiêu trên, công tác thông tin, truyền thông, trong đó có việc tổ chức các lớp tập huấn cho nhóm lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số là giải pháp quan trọng và rất cần thiết. Bởi đây là nhóm người vừa thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vừa đồng thời là những tuyên truyền viên có khả năng làm lan tỏa tới nhân dân những mục tiêu của Dự án 9.2, góp phần giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại lớp tập huấn, các đại biểu được nghe giảng viên của Vụ Dân tộc thiểu số, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tỉnh Cà Mau hướng dẫn các kỹ năng tuyên truyền, vận động; kỹ năng xây dựng văn bản nói, viết trong hoạt động tuyên truyền, vận động; Những quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; Cung cấp thông tin, số liệu về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

Hoàng Dũng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực