Tập trung đào tạo nhân lực y tế cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Thứ bảy, 02/12/2023 11:07
(ĐCSVN) - Bộ Y tế đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển y tế cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Dự án 7 trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bộ Y tế được Thủ tướng Chính phủ phân công làm đầu mối triển khai thực hiện Dự án 7: Chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Qua 3 năm thực hiện Dự án (2021 – 2023), Bộ Y tế đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển y tế cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trên cơ sở đề nghị của địa phương, Bộ đã tổng hợp và đề xuất hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho 16 trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó ưu tiên các huyện nghèo theo quyết định của cấp có thẩm quyền thuộc 12 tỉnh.

Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số đến trạm y tế xã khám thai ngày càng tăng.

Về công tác đào tạo nhân lực y tế, trong hai năm 2021, 2022, có 150 bác sĩ đang làm việc tại các cơ sở y tế thuộc huyện nghèo, khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hỗ trợ đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I, đạt 18,2% so với chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025.

Dự kiến cuối năm nay, Dự án sẽ bàn giao 50 học viên tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp I thuộc 10 chuyên ngành về công tác tại 32 huyện khó khăn thuộc 8 tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung.

Đối với nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo cử nhân điều dưỡng, cử nhân các ngành thuộc nhóm ngành kỹ thuật y học, Bộ đã chỉ đạo các Sở Y tế tổ chức đánh giá thực trạng số lượng, nhu cầu nhân lực giai đoạn 2022 - 2025 để từ tháng 7/2023, bắt đầu các hoạt động khớp cung - cầu, thống nhất với cơ sở giáo dục về cơ chế đào tạo đặt hàng theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn các địa phương đánh giá nhu cầu, xây dựng kế hoạch chuyển giao kỹ thuật và đánh giá nhu cầu, xây dựng kế hoạch đào tạo và tiến hành đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cấp chứng nhận chuyển giao kỹ thuật, chứng nhận đào tạo y học gia đình cho nhân viên trạm y tế xã theo quy định.

Về việc hỗ trợ điểm tiêm chủng ngoại trạm, cùng với duy trì hoạt động tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng bổ sung trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh và thiếu nhân lực, phần lớn các địa phương triển khai tiêm chủng thường xuyên ít nhất 2 đợt/tháng, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tiêm chủng cho trẻ em.

Hoạt động tiêm vét vắc xin trong tiêm chủng mở rộng được thực hiện tại nhiều địa phương, góp phần duy trì bao phủ vắc xin cho trẻ em và phụ nữ có thai./.

Xuân Thuỷ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực