|
Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa trao bò sinh sản cho tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản xã Yên Khương, huyện Lang Chánh. |
Để giúp hội viên, phụ nữ huyện Mường Lát có điều kiện ổn định cuộc sống, yên tâm lao động, sản xuất, các cấp Hội LHPN Thanh Hóa đã triển khai nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho hội viên. Nhất là chị em phụ nữ dân tộc thiểu số đã biết lựa chọn các mô hình sản xuất phù hợp như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng các loại rau, củ, quả với quy mô phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hội viên làm ăn hiệu quả, mở rộng mô hình tăng gia, sản xuất. Kết quả trong 3 năm (2018-2020) các cấp Hội phụ nữ đã vận động xây sửa 59 mái ấm cho hội viên, phụ nữ, tổng trị giá hơn 2,8 tỷ đồng.
Chia sẻ với chúng tôi hôm đến nhận con giống do Hội LHPN tỉnh hỗ trợ cho các thành viên tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò sinh sản xã Pù Nhi (Mường Lát), chị Thao Thị Dia tâm sự: Nhận được thông báo, gia đình tôi và 9 hộ nghèo khác trong bản rất vui. Chúng tôi được tự chọn mua con giống mình ưng nhất và Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng/con/hộ, gia đình tôi đã vay mượn thêm và đối ứng gần 10 triệu đồng mua một cặp bò mẹ con, tổng trị giá gần 20 triệu đồng. Được hỗ trợ con giống sẽ là điều kiện thuận lợi giúp tôi và các thành viên THT sớm thoát nghèo.
Còn chị Lò Thị Nghĩa, bản Tứ Chiềng, xã Yên Khương (huyện Lang Chánh) với tâm trạng phấn khởi bên đàn dê, bò của gia đình, chị Nghĩa chia sẻ: Gia đình tôi được hỗ trợ 2 con dê sinh sản từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Thể công chăm sóc, gia đình tôi vay mượn mua 2 con bò về nuôi. Có dê, bò, gia đình tôi có thêm động lực lao động, sản xuất và đã thoát nghèo từ cuối năm 2019.
Nói về các mô hình tăng gia sản xuất, nuôi trồng của các hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số, chị Thao Thị Sua, chủ tịch hội LHPN xã cho biết: “Hội viên bản Cơm còn nhiều hộ nghèo, hội LHPN xã đã lựa chọn những chị em có nhận thức tốt trong lao động, sản xuất tham gia mô hình THT để mô hình đạt hiệu quả, tạo hiệu ứng triển khai cách làm tương tự tại các bản khác, nhằm giúp nhiều hội viên khó khăn thoát nghèo ổn định. Đã có 2/10 hộ thêm vốn đối ứng mua 2 cặp bò mẹ con, sau hơn 3 tháng nhận con giống, đến nay đàn bò vẫn đang được các hộ chăm sóc tốt”.
Các hộ chị Nghĩa (Lang Chánh), chị Dia (Mường Lát) chỉ là hai trong số nhiều gia đình phụ nữ vùng biên giới được hỗ trợ sinh kế từ một phần hoạt động của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Chương trình được Hội LHPN tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh ký kết thực hiện trong giai đoạn 2018 – 2020 và triển khai tại 11/16 xã biên giới đặc biệt khó khăn. Để có nguồn lực xây dựng sinh kế và tổ chức các hoạt động đồng hành, ngay từ khi phát động, Hội LHPN tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động trong huy động nguồn lực xã hội hóa. Bằng nhiều hình thức, 2 đơn vị đã vận động cán bộ, chiến sĩ, hội viên phụ nữ và cộng đồng nhắn tin ủng hộ chương trình; kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tham gia ủng hộ; phối hợp tổ chức các hoạt động nhân đạo, hỗ trợ sinh kế; thăm hỏi, tặng quà cho phụ nữ nghèo, trẻ em và gia đình cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khám, tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí, tổ chức các cuộc truyền thông phòng chống bạo lực gia đình...
Trước đây, gia đình chị Hà Thị Hà, dân tộc Thái ở bản Na Ấu, xã Tam Thanh (huyện Quan Sơn) thuộc hộ nghèo của xã, chồng mất sớm, một mình chị phải nuôi đứa con nhỏ đang tuổi ăn học. Kinh tế gia đình khó khăn, nên hai mẹ con phải ở trong ngôi nhà vách nứa xập xệ. Trước khó khăn đó, năm 2018, gia đình chị được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” để xây nhà “Mái ấm tình thương”. Cùng với số tiền trên, chị vay mượn thêm anh em, bạn bè cất được ngôi nhà cấp 4, rộng trên 100 m2. Ngôi nhà mới không chỉ giúp mẹ con chị cải thiện về điều kiện ăn ở, mà còn là động lực để chị vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nuôi dạy con trưởng thành.
Cùng với các hoạt động hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể, xây dựng mái ấm tình thương thì việc nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ và nhân dân các xã giáp biên về pháp luật, phòng chống các loại tội phạm ma túy, buôn bán người, xây dựng vùng biên an toàn cũng là một trong những nội dung quan trọng mà Hội LHPN tỉnh cùng các đơn vị đồng hành ký kết tại các xã thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương giai đoạn 2018-2020”. Bằng nhiều hình thức truyền thông sinh động như: phiên chợ truyền thông, thành lập câu lạc bộ, truyền thông tại cộng đồng với chủ đề “Phòng chống tệ nạn xã hội và mua bán người”, xây dựng tủ sách pháp luật…
Có thể nói, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương giai đoạn 2018 – 2020” là chương trình có ý nghĩa thiết thực và mang tính nhân văn sâu sắc, nhằm phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tạo sự đồng thuận sâu rộng từ các cấp, các ngành hướng về các xã biên giới, xa xôi, khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Qua đó khơi dậy ý chí vươn lên, phát huy nội lực, huy động sự chung tay, góp sức của xã hội đồng hành cùng phụ nữ biên cương xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh./.