Tỉnh Bình Phước đặt chỉ tiêu mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo

Thứ tư, 20/09/2023 08:51
(ĐCSVN) - Để đẩy nhanh tốc độ giảm số hộ nghèo, Tỉnh uỷ Bình Phước đã xây dựng Nghị quyết và ban hành kế hoạch với mục tiêu mỗi năm phấn đấu giảm 1.000 hộ nghèo. Tỉnh quyết tâm dồn mọi nguồn lực, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện mục tiêu quan trọng này.
 Hỗ trợ cho hộ nghèo phát triển chăn nuôi bò là một trong những giải pháp để hiện thực hoá kế hoạch giảm 1.000 hộ nghèo mỗi năm của tỉnh Bình Phước (ảnh: CTV)

Tỉnh Bình Phước có 203.519 người thuộc 41 dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 19,67% tổng dân số của cả tỉnh. Đồng bào DTTS của tỉnh Bình Phước sinh sống đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 58 xã thuộc vùng DTTS & MN giai đoạn 2021 - 2025. Trong 58 xã có 5 xã khu vực III, 3 xã khu vực II, 50 xã khu vực I. Toàn tỉnh có 46 thôn, đặc biệt khó khăn. Các DTTS chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp tập trung ở địa bàn miền núi, vùng sâu, biên giới. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Bình Phước và của cả nước.

Đến năm 2022 áp dụng chuẩn nghèo mới giai đoạn 2022 - 2025 nên số hộ nghèo người dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Phước còn 2.820 hộ chiếm 57,91% trong tổng số hộ nghèo của cả tỉnh (cả tỉnh là 4.870 hộ nghèo). Thu nhập bình quân của người DTTS trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt 39 triệu đồng.

Để đẩy nhanh tốc độ giảm số hộ nghèo, Tỉnh uỷ Bình Phước đã xây dựng Nghị quyết và ban hành kế hoạch với mục tiêu mỗi năm phấn đấu giảm 1.000 hộ nghèo. Năm 2023, tỉnh Bình Phước đang tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN, trong đó lồng ghép tích hợp Dự án 1 với các chương trình đặc thù của tỉnh với mục tiêu sẽ sớm giảm được 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số theo kế hoạch.

Về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN, tổng nguồn vốn được phân bổ thực hiện đồng bộ 10 dự án thành phần thuộc Chương trình đến năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Phước là 547 tỷ 377 triệu đồng (gồm: vốn giao năm 2023 là 330 tỷ 773 triệu đồng; vốn giao năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 216 tỷ 604 triệu đồng. Trong đó: nguồn đầu tư là 394 tỷ 022 triệu đồng, nguồn sự nghiệp là 153 tỷ 355 triệu đồng). UBND tỉnh đã giao phân bổ cho các sở, ban, ngành của tỉnh có liên quan và UBND cấp huyện thực hiện theo đúng quy định.

Tính hết nay, đã giải ngân được 143 tỷ 704 triệu đồng, đạt 26% trên tổng vốn giao của 2 năm (2022 - 2023). Trong đó: vốn đầu tư là 136 tỷ 645 triệu đồng, đạt 34%; vốn sự nghiệp được 7 tỷ 058 triệu đồng, đạt 4%.

Kết quả giải ngân cụ thể từng năm như sau:

Năm 2022 đã giải ngân được gần 102 tỷ 474 triệu đồng, đạt 55,26%. Trong đó: vốn đầu tư là 114 tỷ 248 triệu đồng, đạt 66,4%; vốn sự nghiệp là 6 tỷ 230 triệu, đạt 13,99%.

Năm 2023 (tính đến hết tháng 6) đã giải ngân được hơn 23 tỷ 228 triệu đồng, đạt 7,02%. Trong đó: vốn đầu tư là gần 22 tỷ 401 triệu đồng, đạt 11%; vốn sự nghiệp là gần 228 triệu đồng, đạt 0,76%.

Để kịp thời hướng dẫn chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn được giao, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN trên địa bàn tỉnh Bình Phước, từ đầu năm 2023, UBND tỉnh Bình Phước đã thực hiện giao ban trực tuyến mỗi tuần một lần, kết nối từ điểm cầu của UBND tỉnh đến điểm cầu của UBDN các huyện, thị xã. Tại điểm cầu của tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, nghe các đơn vị báo cáo khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của tỉnh để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn được giao nhờ vậy đã đạt được nhiều kết quả bước đầu khả quan./. 

Hoàng Trung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực