Triển khai hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số

Thứ hai, 06/11/2023 15:46
(ĐCSVN) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đề ra mục tiêu, đến năm 2025, trên 80% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%... Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Y tế, các cấp, các ngành chức năng và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực.

Ngày 6/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo sơ kết triển khai nội dung chuyên môn về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em. Nội dung này nằm trong khuôn khổ Dự án 7 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I; từ năm 2021 đến năm 2025: “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em”. Đại biểu của 21 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc tham dự hội thảo.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I; từ năm 2021 đến năm 2025 đề ra mục tiêu, đến năm 2025, trên 80% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Y tế, các cấp, các ngành chức năng và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực.

Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), về kết quả triển khai ở trung ương năm 2022 - 2023, đã đào tạo, tập huấn về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho cán bộ tuyến tỉnh của 63 tỉnh, thành phố; ban hành Quyết định số 2869/QĐ-BYT ngày 13/07/2023 của Bộ Y tế hướng dẫn triển khai mô hình Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; triển khai mô hình điểm về Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại 2 tỉnh Lào Cai và Đắk Lắk…

Hội thảo sơ kết triển khai nội dung “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em” do Bộ Y tế tổ chức ngày 6/11.

Tại địa phương, nhóm hoạt động "Chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời cho bà mẹ - trẻ nhỏ" đã cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo giảng viên tuyến tỉnh về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho gần 600 cán bộ tuyến huyện, gần 2.900 cán bộ tuyến xã làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, gần 8.500 cán bộ y tế thôn bản; xây dựng hơn 300 mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời được triển khai tại các xã khu vực III. Đã có hơn 79.000 phụ nữ mang thai được bổ sung viên sắt, gần 1.500 trẻ suy dinh từ 6 - 23 tháng dưỡng được nhận bổ sung gói đa vi chất…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai nội dung của Dự án 7 cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Tiến độ phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân vốn còn chậm, kinh phí thực hiện năm 2022 phải chuyển sang năm 2023 thực hiện tiếp; tại một số địa phương kinh phí phân bổ cho nội dung ít, không đủ để triển khai hết các nội dung theo hướng dẫn của Bộ Y tế như mua sắm các trang thiết bị, vật tư y tế. Nhiều địa phương, nhất là tuyến huyện, xã chưa thực sự đủ năng lực để xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí, triển khai hoạt động theo phân cấp quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia, trong khi tuyến tỉnh lại chưa tổ chức được tập huấn, hướng dẫn đầy đủ…

Mặc dù trong Thông tư 55/2023/TT-BTC, ngày 15/8/ 2023, của Bộ Tài chính  quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định 2415/QĐ-BYT, ngày 05/9/2022, của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn thực hiện Dự án 7 -  Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 đã có hướng dẫn chi trả phụ cấp hằng tháng cho cô đỡ thôn bản nhưng đến nay nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện chi trả phụ cấp cho cô đỡ thôn bản đang hoạt động. Tương tự, nội dung và mức chi thực hiện 4 gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đã được quy định rõ ràng tại Thông tư 55/2023/TT-BTC nhưng còn nhiều địa phương chưa thực hiện…

Công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số thời gian qua đạt nhiều kết quả. 

Năm 2024, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em sẽ chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình; xây dựng kế hoạch và triển khai sớm các hoạt động của Chương trình; ưu tiên bố trí kinh phí để các tỉnh miền núi khó khăn có điều kiện triển khai đầy đủ các nội dung hoạt động của Chương trình; đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ thuộc chương trình đảm bảo chất lượng và tiến độ… Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Dân tộc, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các địa phương điều chỉnh mở rộng địa bàn triển khai và bổ sung thêm một số nội dung chi hỗ trợ cho phụ nữ trong 4 gói dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau khi sinh, chăm sóc sức khỏe trẻ em trong khuôn khổ của Dự án 7…

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I; từ năm 2021 đến năm 2025 gồm 10 dự án thành phần, trong đó Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em”

Dự  án nhằm mục tiêu cải thiện sức khoẻ của người dân tộc thiểu số về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ. Tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Các nội dung của Dự án gồm:

- Xây dựng và phát triển y tế cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc thiểu số.

T.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực