Bảo vệ chứ không khống chế quyền lợi người tiêu dùng

Thứ sáu, 26/05/2023 15:25
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), nhiều đại biểu đề nghị bỏ quy định giao dịch dưới 100 triệu đồng mới được áp dụng thủ tục xét xử rút gọn với các vụ án tranh chấp liên quan đến tiêu dùng để không khống chế quyền lợi người tiêu dùng.

Sáng 26/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là quy định điều kiện giá trị giao dịch khi giải quyết tranh chấp tại tòa án.

Khống chế điều kiện giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng là không phù hợp

Báo cáo Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định điều kiện giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng trong thủ tục rút gọn tại điểm c khoản 2 Điều 70; có ý kiến đề nghị bỏ quy định này vì các giao dịch mua bán hàng hóa tiêu dùng thông thường có giá trị lớn hơn 100 triệu đồng rất phổ biến, quy định như dự thảo sẽ khiến các giao dịch trên 100 triệu đồng không được áp dụng thủ tục rút gọn.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình như sau, việc quy định điều kiện giao dịch dưới 100 triệu đồng trong thủ tục rút gọn được kế thừa từ Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành, bảo đảm phù hợp thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo tính khả thi. Điều kiện “giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng” nhằm nhấn mạnh vào yếu tố đặc thù trong các vụ án tiêu dùng để làm căn cứ áp dụng thủ tục rút gọn trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, UBTVQH tiếp thu ý kiến ĐBQH để đảm bảo các giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên vẫn có thể áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự, cụ thể khoản 2 Điều 70 được chỉnh sửa theo hướng vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự hoặc khi có đủ một số điều kiện cụ thể được quy định trong dự thảo Luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) phát biểu ý kiến 

Phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) phân tích, dự thảo quy định "một trong những điều kiện để được giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn đó là khi giá trị giao dịch phải dưới 100 triệu đồng", tức là từ 101 triệu trở lên sẽ không được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án. 

Nhấn mạnh đây là vấn đề đã được góp ý nhưng chưa được tiếp thu, đại biểu nhắc lại ngay từ năm 2015 khi xây dựng Bộ luật Tố tụng dân sự đã rất phân vân đối với vấn đề này, khi đó đã đề xuất giá trị giao dịch là 50 triệu hay 70 triệu để được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án, nhưng sau đó đã phải bỏ đề xuất này bởi vì không phù hợp với thực tế. Theo đại biểu, trong lĩnh vực tư pháp thì tính chất phức tạp của một vụ án không phụ thuộc vào giá trị tranh chấp là lớn hay nhỏ, là 100 triệu, 1 tỷ hay là 10 tỷ mà phụ thuộc vào tình tiết chứng cứ của vụ án có rõ ràng, đầy đủ hay không. 

“Trong rất nhiều trường hợp, có khi giá trị tranh chấp chỉ là vài triệu đồng nhưng tình tiết thì rất phức tạp, chứng cứ thì không rõ ràng, các bên thì không lập hợp đồng mà thỏa thuận miệng và cho đến nay thì không thừa nhận nghĩa vụ đã cam kết thì không thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp, mặc dù chỉ là vài triệu đồng. Nhưng ngược trở lại thì có những vụ án giá trị tranh chấp lên đến vài chục tỷ đồng nhưng các bên lập hợp đồng rất rõ ràng, chặt chẽ và mỗi lần giao hàng đều có biên bản giao, nhận đầy đủ thì vẫn có thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết” - đại biểu nói.

Đại biểu cũng cung cấp thêm là chúng ta đã có một kinh nghiệm lập pháp rất tốt, khi ban hành Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu. Trong nghị quyết này, Quốc hội cũng đã dành riêng Điều 8 để quy định về các điều kiện được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp đối với vấn đề xử lý tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu. Mặc dù tranh chấp về tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu ngân hàng thường có giá trị rất lớn, có những vụ lên đến vài chục tỷ, vài trăm tỷ nhưng Quốc hội cũng không khống chế giá trị tranh chấp khi quyết định giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn. 

Theo đại biểu, trong những vụ án liên quan đến nhu cầu tiêu dùng, tính chất thường sẽ đơn giản hơn. Do đó dự thảo khống chế là không được vượt quá 100 triệu là chưa phù hợp với thực tế và cũng chưa đồng bộ trong cách tiếp cận của các luật, nghị quyết của chúng ta hiện nay về vấn đề này. 

Chính vì như vậy, đại biểu kiến nghị bỏ điều kiện về giá trị tranh chấp và không nên hạn chế việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn chỉ vì giao dịch đó có giá trị hơn 100 triệu đồng, trong khi tất cả những điều kiện khác đều được thỏa mãn điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn. 

Đi kiện thì phải nhanh

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà) nhắc lại: “Vấn đề này tại kỳ họp thứ 4 tôi cũng đã phát biểu và tôi đề nghị Ban soạn thảo bỏ hẳn 100 triệu khống chế, nhưng cho tới giờ này thì Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại tiếp thu cả hai, có nghĩa là vừa áp dụng Điều 317 của Bộ luật Dân sự 2015 lại vừa đặt ra một cái mới và cái mới này thực ra ở tại Điều 41 của Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010”. 

Theo đại biểu, mục tiêu đặt ra trong bộ luật này đó chính là việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, có nghĩa là đi kiện thì phải nhanh và tất cả giải quyết theo thủ tục chung của pháp luật. Theo đại biểu, dự luật chỉ nêu là tất cả các vụ tranh chấp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được tòa án thụ lý, xét xử theo thủ tục rút gọn là đủ. 

“Mình nghĩ là bảo vệ quyền cho người tiêu dùng nhưng thực ra lại là khống chế, đặt ra thêm một rào cản nữa là phải dưới 100 triệu thì mới thủ tục rút gọn, còn trên 100 triệu thì không” - đại biểu nêu quan điểm.

Trong khi đó đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) nhận xét, qua rà soát cho thấy Điều 70 dự thảo luật quy định điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn gần tương tự Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự. Vì vậy, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để quy định cụ thể, rõ ràng hơn về sự cần thiết quy định thủ tục rút gọn cũng như là đặc thù về thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại dự thảo luật so với Bộ luật Tố tụng dân sự.

Phiên họp Quốc hội sáng 26/5 

Phát biểu sau đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, Bộ luật Dân sự quy định về thủ tục rút gọn tại Điều 37, nếu như tất cả các vụ án dân sự, trong đó các vụ kiện liên quan đến người tiêu dùng thỏa mãn các điều kiện của Điều 37 thì được áp dụng thủ tục rút gọn. 

“Bộ luật Tố tụng dân sự không cấm các bộ luật khác quy định trình tự rút gọn và mở đường cho các bộ luật khác có thể quy định thủ tục rút gọn. Chúng ta hiểu không chỉ luật mà chúng ta đang bàn đây mà các luật khác nếu có thể áp dụng rút gọn. Tại sao áp dụng rút gọn, là để giải quyết vụ việc cho nhanh, tinh thần là như vậy” – Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình nêu.

Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đồng tình với ý kiến của các ĐBQH đã nêu trước đó (như đại biểu Lê Xuân Thân) cho rằng, quy định tại Điều 70 của dự thảo Luật là hạn chế quyền lợi người dùng. Quy định như Điều 70 là chưa thỏa đáng. Nếu quy định thỏa mãn theo Điều 37 của Bộ luật Dân sự thì có thể áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn. Nếu quy mô tranh chấp các vụ án dưới 100 triệu, có thể phức tạp, không thỏa mãn Điều 37 của Bộ luật Dân sự thì cũng vẫn áp dụng thủ tục rút gọn. Quy định như vậy sẽ thỏa đáng hơn. 

Giải trình làm rõ ý kiến được nêu tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định sẽ cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý để đảm bảo khả thi, đồng bộ, thống nhất, đặc biệt đối với Bộ luật Tố tụng dân sự./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực