Cần quyết liệt ngăn chặn vấn nạn “tín dụng đen”

Thứ bảy, 13/11/2021 09:39
(ĐCSVN) – Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Nhận diện và kịp thời chặn đứng vấn nạn này cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng với những giải pháp quyết liệt và đồng bộ.
Qua rà soát phát hiện 6664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao (Ảnh: vietnamnet.vn)

Khốn cùng vì những hệ lụy của “tín dụng đen”

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 về “Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen”; với nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, mạnh mẽ giúp trấn áp, kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này. 

Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, từ đầu năm 2020, qua công tác nghiệp vụ, Công an các địa phương đã rà soát, phát hiện: 6664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao. Trong năm thứ hai thực hiện Chỉ thị 12, qua thống kê các vụ án, vụ việc liên quan, lực lượng Công an đã tiếp nhận, phát hiện: 1047 vụ/1718 đối tượng, đã khởi10 tố 554 vụ/990 bị can; Xử phạt hành chính 375 vụ/593 đối tượng. Riêng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã phát hiện, tiếp nhận 539 vụ/884 đối tượng (51,48%) trong đó đã khởi tố 314 vụ/541 bị can; xử phạt hành chính 153 vụ/249 đối tượng…

Theo Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó phòng trọng án (Cục Cảnh sát hình sự), với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, hoạt động "tín dụng đen” tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi; nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao. Một bộ phận không nhỏ thanh niên còn có nhu cầu vay tiền để phục vụ tiêu xài cá nhân hoặc thậm chí sử dụng cho các mục đích vi phạm pháp luật như: sử dụng ma túy, cờ bạc... Các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" chuyển hướng, lợi dụng công nghệ, mạng xã hội… mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên... vay tiền. 

Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật (thực chất là để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật); lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay; một số hợp đồng vay tiền tuy số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép. Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ thành lập nhiều cơ sở, cửa hàng tại nhiều địa phương khác nhau, vừa hoạt động cho vay cầm cố tài sản tại cửa hàng, vừa hoạt động trên không gian mạng nhưng thu thêm nhiều khoản phí, quy định tiền phạt lớn nhằm lách quy định pháp luật về lãi suất, có dấu hiệu cho vay lãi nặng. Các đối tượng hình sự hoạt động cho vay lãi nặng dưới hình thức hụi, họ nhắm đến một bộ phận tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ, thanh thiếu niên, các đối tượng cần tiền “vay nóng” phục vụ cho các nhu cầu bất chính, tiêu xài cá nhân...

Liên quan đến hoạt động đòi nợ, từ 1/1/2021, ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị cấm hoạt động, góp phần hạn chế các vi phạm pháp luật phát sinh từ hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Tuy nhiên, một số công ty hoạt động núp bóng dưới danh nghĩa các công ty bảo vệ, tư vấn luật, mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ; sử dụng nhân viên của các công ty đòi nợ trước đây để liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở cho vay hoặc cho đối tác thuê nhân viên để đòi nợ. Tình trạng các đối tượng côn đồ, nghiện hút, các băng nhóm tội phạm thực hiện các hành vi đòi nợ đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự đã giảm rõ rệt nhưng thủ đoạn đòi nợ bằng cách ném chất bẩn, chất thải, gạch đá vào nơi ở, nơi làm việc của con nợ và người thân con nợ vẫn xuất hiện ở nhiều nơi.

Nổi lên tình trạng gây sức ép đòi nợ bằng cách gọi điện, nhắn tin giả danh các cơ quan bảo vệ pháp luật để đe dọa hoặc sử dụng thông tin cá nhân, danh bạ, tài khoản mạng xã hội của người đi vay… để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, phát tán cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp người đi vay. Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, tại một số địa phương liên tiếp xảy ra một số vụ án giết người, đe dọa giết người, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, cướp, cướp giật… có nguyên nhân từ “tín dụng đen” do các đối tượng, băng nhóm tội phạm thực hiện, gây bức xúc dư luận. 

Những hệ lụy từ "tín dụng đen" là vô cùng to lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe và tính mạng của rất nhiều người dân khi bị cuốn vào vòng xoáy "tín dụng đen". Điển hình như những vụ việc, ngày 26/4/2021, tại ki-ốt tại Kp 1B, phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, Nguyễn Văn Huy (32 tuổi, quê Bình Dương), Thạch Nhựt Phong (19 tuổi, quê Kiên Giang), Nguyễn Văn Nhí (30 tuổi, quê Sóc Trăng) và Hồ Đại Sơn (25 tuổi, quê Nghệ An) đòi nợ và đánh anh Nguyễn Tấn Đạt (37 tuổi, quê Kiên Giang) tử vong.

Ngày 4/6/2021, Trần Thị Thắm (trú tại phường Tân Lợi, TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk) thuê bốn đối tượng để đòi nợ 4,4 tỷ đồng của anh Nguyễn Văn Nhất Thắng (trú tại huyện Krông Pắk, Đắk Lắk). Các đối tượng đã bắt giữ anh Thắng, đưa đi nhiều nơi, đánh đập, đe dọa đưa anh Thắng ra nước ngoài thủ tiêu (Công an tỉnh Đắk Lắk đã giải cứu anh Thắng)...

Hay ngày 20/6/2021, Huỳnh Minh Tâm (32 tuổi, trú tại h.Bình Chánh, Tp Hồ Chí Minh) cùng bốn đối tượng khác do mâu thuẫn trong việc đòi nợ, sử dụng hung khí, gây thương tích cho ba người nhà anh Lê Thanh Hồng tại Phường Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh…

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Ngoài hoàn thiện khung khổ pháp lý thì để ngăn chặn vấn nạn này, cần tuyên truyền, nhận diện cụ thể về tín dụng đen cho đông đảo người dân, đặc biệt là các đối tượng yếm thế trong xã hội.

Cần phát triển kênh tín dụng chính thức, đẩy lùi tín dụng đen (Ảnh: M.P) 

Đẩy mạnh giải pháp mở rộng tín dụng chính thức

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Chính sách các ngành kinh tế cho biết, triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động của ngành với bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn TCTD, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa như cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, vay vốn thông qua các tổ, nhóm của các tổ chức chính trị - xã hội, cho vay, thu nợ ngay tại địa bàn của người vay, triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng... Đặc biệt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng, theo đó khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp; chương trình cho vay thẻ thấu chi tại thị trường nông thôn (sử dụng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ); đến cuối tháng 9/2021, đã có hơn 609 nghìn lượt khách hàng vay vốn theo chương trình, doanh số cho vay đạt trên 45,4 nghìn tỷ đồng, dư nợ đạt trên 1.950 tỷ đồng.

Đặc biệt, AgriBank đã triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng, theo đó khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp, đến cuối tháng 9/2021, đã có hơn 609.000 lượt khách hàng vay vốn theo chương trình, doanh số cho vay đạt trên 45.400 tỷ đồng, dư nợ đạt trên 1.950 tỷ đồng. 

Theo bà Hà Thu Giang, đến cuối tháng 10/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,99 triệu tỷ đồng, tăng 8,72% so cuối năm 2020, là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là nơi dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”) đạt trên 2,48 triệu tỷ đồng với hơn 14 triệu khách hàng, chiếm trên 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 9,2% so cuối năm 2020 và tăng 32,8% so thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg. 

Đặc biệt, các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, toàn hệ thống có 78 tổ chức tín dụng tham gia cho vay phục vụ đời sống với dư nợ vay đạt gần 1,95 triệu tỷ đồng, chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tang 55% so cuối năm 2020, tăng 9,55% so cuối năm 2018 và tăng 5,4% so thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg, trong đó dư nợ dài hạn chiếm tỷ trọng lớn 84%...

Thực tế, tại nhiều nước trên thế giới, các giải pháp tài chính vi mô rất được quan tâm, chú trọng. Đối tượng cho vay là số ít doanh nhân, số đông người lao động, tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ chưa đủ điều kiện đặt chân đến ngân hàng, vay theo chuẩn ngân hàng, chưa phù hợp hoàn cảnh, yêu cầu của ngân hàng.

Ở Việt Nam, không ít người dân bị rơi vào bẫy "tín dụng đen" của nhóm cho vay lãi suất cao. Nhiều người vay cứ làm hoài mà vẫn thiếu nợ, nợ không trả được hết mà còn tăng hơn. Hệ thống ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng không thể đáp ứng mọi nhu cầu tín dụng trên thị trường. Tại Việt Nam hiện cũng có các tổ chức tài chính vi mô của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh… Tuy nhiên, các tổ chức vi mô này vẫn bị hạn chế bởi tính hành chính, chỉ gắn cho sự nghiệp của phụ nữ, người lao động… Nếu tổ chức tài chính vi mô còn bị hạn chế bởi tính hành chính thì dù vẫn đang hoạt động tốt nhưng chưa đủ năng động và thuyết phục. Đối với các Tổ chức tài chính vi mô, cần thuê đội ngũ quản lý quỹ chuyên nghiệp, có quy định giám sát đầy đủ.

Thiết nghĩ, các quỹ tín dụng nhân dân là mô hình rất tốt. Thí dụ như trong mỗi quận có quỹ tín dụng dành cho các tiểu thương vay, nguồn tiền huy động từ chính các tiểu thương gửi vào với lãi suất huy động khoảng 10%, cho vay ra khoảng 14-15%. Tin rằng nếu mô hình này được quản lý chuyên nghiệp sẽ đem lại hiệu quả lớn. Nhà nước nên thí điểm cho phép công ty phi lợi nhuận trong lĩnh vực tín dụng vi mô, quỹ tín dụng “từ thiện” hoạt động giống mô hình ở nước ngoài. Cụ thể, các quỹ được lập ra trên cơ chế bảo toàn vốn và lợi nhuận thấp. Quỹ dành cho những người thích làm từ thiện đầu tư, gửi tiền vào giúp đỡ người lao động, phụ nữ, nông dân và những đối tượng gặp khó khăn. Mô hình cho vay này không lập ra để canh tranh với tín dụng ngân hàng, nhưng lại góp phần giúp đáng kể cung cấp nguồn tín dụng. Nhà nước nên nghiên cứu áp dụng mô hình quỹ tín dụng từ thiện. Tại một số quốc gia phát triển, nơi các tỷ phú, những người thích làm từ thiện đầu tư vào làm từ thiện nhưng vẫn bảo toàn vốn, cho người nghèo, đối tượng gặp khó khăn vay với lãi suất thấp. 

Thực tế, do nhu cầu tín dụng trên thị trường đa dạng, không có mẫu số chung cho giải pháp và cần đa dạng hình thức khác nhau.  Nên trong bối cảnh hiện nay, việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” với nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, mạnh mẽ giúp trấn áp, kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này là công việc cần làm, cần duy trì vì sự bình yên, an toàn của nhân dân và của cả xã hội./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực