“Chướng ngại vật” cản trở sự phát triển

Thứ tư, 06/09/2023 16:31
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Tình trạng văn bản pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn; "nợ" ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết đang gây nhiều khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và cả các cơ quan nhà nước trong quá trình áp dụng pháp luật.

1.010 là con số văn bản đã được Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành, tính từ đầu nhiệm kỳ khoá XV đến nay. Trong số này, có 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội, 04 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Con số ấn tượng trên cho thấy Quốc hội đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, điều chỉnh toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, giám sát tối cao và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Dẫu vậy, khâu triển khai trên thực tế còn khá nhiều hạn chế, có thể coi là căn bệnh "trầm kha" từ nhiều năm qua vẫn tồn tại. Chẳng hạn như tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết. Để thực hiện các luật, nghị quyết được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ tư thì phải ban hành 50 văn bản quy định chi tiết. Thế nhưng, tính đến ngày 23/8, vẫn còn 11/50 văn bản thuộc trách nhiệm quy định chi tiết của Chính phủ, các Bộ chưa được ban hành, trong đó một số văn bản đã chậm từ 08 tháng đến 1,5 năm so với thời điểm luật, nghị quyết có hiệu lực. Trong số 39 văn bản quy định chi tiết đã ban hành thì cũng chỉ có 9 văn bản được ban hành đúng thời hạn.

Ảnh minh họa 

Cá biệt có một số trường hợp nghị quyết của Quốc hội được thông qua nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, nhưng văn bản quy định chi tiết lại ban hành chậm làm giảm ý nghĩa, hiệu lực, hiệu quả của các giải pháp đã được Quốc hội quyết định. Điển hình như để đáp ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19, căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sớm ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhưng phải sau 4 tháng Nghị định số 29/2022/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 12 mới được ban hành. Nghị quyết số 80/2023/QH15 về tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID - 19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024 được Quốc hội ban hành ngày 9/1/2023, nhưng phải sau hơn 2 tháng Chính phủ mới có văn bản chỉ đạo, phân công các Bộ triển khai thực hiện.

Chính phủ cũng vẫn đang “nợ” 02 nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã có hiệu lực pháp luật. Còn Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024, theo kế hoạch phải ban hành 39 văn bản quy định chi tiết nhưng đến nay cũng chưa có văn bản nào được ban hành.  

Một tồn tại khác gây bức xúc là tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, giữa luật với nghị định, thông tư vẫn xảy ra, gây khó khăn trong việc áp dụng và thực thi trong thực tiễn. Qua tiến hành rà soát 1.651 văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan đã phát hiện một số quy định trong 07 luật và 130 văn bản dưới luật có sơ hở, bất cập hoặc có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp.

Đây là những bất cập không mới, đã tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ, mặc dù đã được cải thiện dần nhưng chưa đạt như mong muốn, dù cả Quốc hội và Chính phủ luôn đặt trọng tâm ưu tiên về công tác hoàn thiện thể chế. Những bất cập này đang làm khó tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và kể cả cơ quan nhà nước; được coi là những “chướng ngại vật” cản trở sự phát triển. Có nhiều trường hợp doanh nghiệp không thể nhận biết được quy định nào đang có hiệu lực và liệu đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế hay chưa?.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Song trước hết là do người đứng đầu một số Bộ, ngành, địa phương chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm, chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi phụ trách. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, thế nhưng mới chỉ có 8/28 bộ, cơ quan thực hiện theo đúng yêu cầu này, 20/28 cơ quan vẫn do Thứ trưởng phụ trách.

Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong một số trường hợp chưa nghiêm. Chính phủ cũng chưa kịp thời xác định, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật...

Thực tế trên đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt hơn nữa, khắc phục cho được tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết. Trước mắt, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo soạn thảo để ban hành 13 văn bản quy định chi tiết thi hành 08 luật, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật còn nợ đọng, 39 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Khám bệnh, chữa bệnh, 07 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đấu thầu sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.

Cùng với tiến độ, cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương ban hành; khắc phục tình trạng văn bản mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, đình chỉ hiệu lực do không phù hợp. Tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, không để làm phát sinh thủ tục, “giấy phép con”, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi…./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực