Dùng đúng tiếng Việt để bảo vệ tiếng Việt!

Thứ hai, 22/08/2016 16:59
(ĐCSVN) – Khi cách sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt vẫn khó chuẩn hóa, thậm chí còn nảy sinh nhiều tranh cãi, nhiệm vụ chuyển tải và phổ biến ngôn ngữ mẹ đẻ đến cộng đồng luôn chứa đựng nhiều “cạm bẫy” đối với báo chí - truyền thông. Thực tế, dùng đúng và hiểu đúng ngôn ngữ tiếng Việt không hề dễ!

Một biển hiệu sai lỗi chính tả xuất hiện trên đường. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Sự trong sáng và quy chuẩn của tiếng Việt phát triển lành mạnh ra sao, có một phần trách nhiệm từ báo chí. Trong trường hợp báo chí, với chức năng tuyên truyền, định hướng dư luận dùng từ sai, hoặc hiểu sai nghĩa của từ, sẽ dẫn đến những hệ lụy khó sửa chữa đối với người dân nói riêng và cả nền ngôn ngữ học nói chung. Hoặc do sự thiếu tìm tòi, hiểu biết, hoặc cả sự dễ dãi trong cách dùng từ - đơn vị cơ bản của ngôn ngữ, hàng ngày, trên các mặt báo, mạng xã hội, hoặc cả những khẩu hiệu tràn lan trên đường phố, lỗi tiếng Việt vẫn xảy ra không ít.

Trước hết, hãy nói về sự thiếu thống nhất trong các từ vay mượn và phát triển từ nước ngoài. Dù đã được phiên âm và có dấu tiếng Việt, nhưng các báo vẫn không có chuẩn hóa đáng tin cậy nào trong cách viết. Ví dụ: Khó ai nói được viết thế nào là đúng, giữa “càphê” hay “cà phê”? Các từ phiên âm về đo lường còn được dùng tràn lan và bất quy tắc hơn nữa. Chẳng hạn như cách sử dụng héc ta (ha) hoặc ki lô mét (km). Chuẩn mực của ngôn ngữ học cho trường hợp này thực ra rất đơn giản: Có thể viết tắt nếu từ này đi liền với con số (10ha hoặc 15km), nhưng khi đi với chữ thì nên viết đầy đủ (một ngàn héc ta hoặc một ngàn năm trăm ki lô mét).

Nhưng sai sót nhiều nhất về cách dùng từ vẫn thuộc về văn phạm Hán Việt, đặc biệt là các từ kép. Theo quy tắc tính từ đứng trước danh từ đều phải là Hán Việt, rất, rất nhiều từ kép bị hiểu sai và dùng sai nghĩa. Ví dụ: ‘Quan lộ” không thể được hiểu là con đường thăng quan tiến chức, mà là “đường lớn” (nghĩa đúng phải là Hoạn lộ); “Chung cư” không phải là nơi cư trú đông người (từ đúng phải là “chúng cư”); “Vị tha” không liên quan đến sự tha thứ (nghĩa gốc là “vì người khác); “Hôn phu” không có nghĩa là “Người chồng”, mà nó tương tự như “Hôn quân – Vị Vua u mê, thiếu sáng suốt”, hoặc giữa “Quá trình” và “Tiến trình” luôn bị lẫn lộn về yếu tố thời gian.

Một trong những sai lầm lớn nhất của cách dùng từ Hán Việt chính là việc không phân biệt được Hán Việt và thuần Việt. Trường hợp này phát sinh lỗi cực nhiều, dẫn đến sự vô nghĩa của các từ được dùng. Ví dụ vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, một số báo dùng “Quốc giỗ” là hoàn toàn sai về cách kết hợp giữa Nôm và Hán. Hoặc dùng Hán hẳn như “Kỵ nhật”, hoặc dùng Nôm hẳn là “ngày Giỗ Tổ”, đơn giản và dễ hiểu hơn nhiều.

Một ví dụ khác, hiện nay một trong những từ Hán được ghép vô tội vạ khác xuất hiện trên báo chí, truyền hình là “tặc”. Nào thì “đinh tặc”, “vàng tặc”, “lâm tặc”, “than tặc” hay “cẩu tặc”... Ở đây, người ta không chỉ ghép sai ngữ pháp giữa Nôm và Hán, mà có vẻ như còn cố tình hiểu sai nghĩa gốc của từ được dùng. “Tặc” có nghĩa là cướp, vậy “đinh tặc” chẳng lẽ lại là “cướp đinh”?!? Nếu muốn dùng từ trộm theo Hán sẽ phải là “đạo”, chẳng hạn “đạo văn” hay “đạo nhạc”. Đó là còn chưa kể đến vô số những từ khác rất dễ bị dùng sai chỉ vì không thể hiểu được nghĩa gốc, như “yếu điểm” và “điểm yếu”; giữa “đọc giả” và “độc giả”; “tựu chung” hay “tựu trung”; “nhậm chức” hay “nhận chức”, hoặc “chẩn đoán” và “chuẩn đoán”.

  • Rắc rối từ hiện tượng “lưỡng khả”

Trong tiếng Việt hiện tại có quá nhiều từ được chấp nhận ở cả hai khả năng sử dụng. Có nghĩa là ít nhất hai biến thể ngữ âm lại có hai cách viết chính tả khác nhau. Chính điều này đã gây ra sự mất phương hướng về quy chuẩn của các nhà báo, thậm chí gây tranh cãi bởi khá nhiều từ điển thậm chí vẫn chấp nhận song song hai cách viết đều đúng nghĩa.

Có một trường hợp rất thú vị trong quá khứ khi nhà văn Vũ Trọng Phụng sử dụng từ “Giông tố” cho tác phẩm của mình vào năm 1937. Trước đó, từ "Dông tố" đã được dùng một cách mặc định và xuất hiện trong Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của từ năm 1896. Chưa nói Vũ Trọng Phụng có dùng đúng từ không, nhưng cho đến nay, rõ ràng người ta vẫn chấp nhận cả 2 phương án trên đều ổn. Hiện tượng lưỡng khả về âm đầu cũng xảy ra ở rất nhiều từ khác như dàn/giàn mướp, trôi dạt/giạt, giậm/dậm chân, hay mài dũa/giũa.

Hệ thống chữ viết tiếng Việt rất phong phú và đặc sắc, nhưng lại bị tác động bởi phương ngữ hoặc các ngữ cảnh dị biệt. Điều đó đã khiến người dùng nhiều khi hoang mang với cách hiểu, và viết đúng của ngôn ngữ Việt. Hiện tượng chấp nhận song song các cách hiểu và sử dụng nhiều khi còn phá vỡ cả cấu trúc từ vựng, như khi từ “lái xe” hiện tại không chỉ là động từ mà còn là danh từ (trong khi chúng ta vẫn có từ thay thế như “tài xế” hay “bác tài”); hoặc giữa “trực thăng” và “máy bay lên thẳng”; “lính thủy đánh bộ” và “thủy quân lục chiến” v.v.

Hiện tại, các sinh viên theo học Ngôn ngữ học vẫn được đào tạo khá “nặng” về lý thuyết cũng như những lĩnh vực liên quan tới lịch sử, phương ngữ, hay Hán Nôm. Chúng ta cũng đã có hẳn một Viện Ngôn ngữ học chuyên sâu nghiên cứu. Tuy nhiên, vấn đề chuẩn hóa tiếng Việt vẫn đang gặp nhiều thách thức trong sự hòa hợp cách dùng, hay thậm chí cả sự tự phát của ngôn ngữ “tuổi teen”.

Sẽ có rất nhiều việc phải làm, rất nhiều thời gian để hoàn thiện điều đó. Nhưng trên hết, muốn bảo vệ và gìn giữ ngôn ngữ, hãy cố gắng đừng hiểu sai, và dùng sai tiếng mẹ đẻ. Từ những nhà báo!

HC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực