Nắm bắt tín hiệu thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu

Thứ tư, 15/03/2023 08:54
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN)- Sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu là điều khó tránh trong bối cảnh chung hiện nay. Tuy nhiên để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, các doanh nghiệp (DN) buộc phải nắm bắt tốt tín hiệu thị trường và tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết.
leftcenterrightdel
Tính chủ động của doanh nghiệp của Việt Nam chưa cao trong việc đưa sản phẩm tiếp cận các đối tác ở các thị trường, đặc biệt là những thị trường mới. (Ảnh: M.P)

Chủ động trước cơ hội

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, năm 2023, nền kinh tế toàn cầu có thể còn ảm đạm hơn năm 2022 vì suy thoái kinh tế. Diễn biến thực tế cho thấy đây là giai đoạn rất khó khăn của nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Trong đó, đáng chú ý là doanh nghiệp trong ngành giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, điện tử vốn đang bị sụt giảm mạnh đơn hàng nên phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động.

Giới chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên, đứng trước khó khăn thay vì tập trung thị trường truyền thống thì doanh nghiệp nên khai thác các thị trường mới, thị trường ngách… để có đơn hàng sản xuất mới. Đặc biệt là cần khai thác những thị trường mà Việt Nam ký kết các FTA có hiệu lực để tận dụng ưu đãi về thuế quan.

Một kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra, kết quả tận dụng FTA đang rất tốt nhưng tính chủ động của doanh nghiệp của Việt Nam chưa cao trong việc đưa sản phẩm tiếp cận các đối tác ở các thị trường, đặc biệt là những thị trường mới. Yêu cầu đặt ra doanh nghiệp phải tự điều chỉnh kế hoạch sản xuất và kinh doanh bài bản để kịp thời thích nghi; đồng thời tham gia hiệu quả, bền vững vào chuỗi cung ứng; nỗ lực xanh hóa sản xuất cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường… cũng như thay đổi tư duy và quen dần với các quy định và luật lệ quốc tế trong thương mại, đầu tư.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, áp lực lạm phát và sức mua các nước lớn giảm… đã khiến các doanh nghiệp càng phải nỗ lực gia tăng tận dụng cơ hội từ FTA trong việc đa dạng hoá thị trường và tìm thị trường mới. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi phương thức sản xuất, thúc đẩy quản trị số, giải pháp tự chủ chuỗi cung ứng trong nước, đa dạng mặt hàng… để giúp Việt Nam xuất khẩu được sang 66 nước, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, các chương trình phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn doanh nghiệp Việt Nam đã giúp giữ ổn định, phát triển, đồng thời thu hút các nhãn hàng chọn Việt Nam làm đối tác.

Lợi ích của các hiệp định thương mại tự do với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN là rất lớn. Tuy nhiên, để nhận được những ưu đãi thuế quan, phía doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải đáp ứng những điều kiện về tỷ lệ nội địa hóa, lao động, cũng như xuất xứ trong sản phẩm.

Ông Phạm Danh Mạnh - Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Thắng Lợi cũng cho rằng, để đảm bảo sản xuất và việc làm, công ty đã chủ động tìm kiếm khách hàng và chào bán hàng qua nhiều kênh. Từ tiếp xúc trực tiếp hay online, marketing qua các trang thương mại điện tử cũng được công ty tận dụng tối đa, cộng với sự hỗ trợ trong việc tìm hiểu thị trường và kiểm tra thông tin từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài như ở thị trường Australia, Canada, Hoa Kỳ, công ty đã có đơn hàng ổn định. 

 Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã giúp gạo Việt Nam có vị thế tốt hơn ở thị trường châu Âu cũng như có sức lan tỏa ở nhiều thị trường khác.

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, trong số 15 Hiệp định FTA Việt Nam đang thực thi, có 3 FTA thế hệ mới là CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam) và UKVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Vương quốc Anh) là những hiệp định rất quan trọng.

Đây là các FTA mang lại nhiều kết quả đàm phán cơ lợi cho người dân và DN Việt Nam, tạo dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất  tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường.

Thay đổi phương thức hỗ trợ

Theo mục tiêu mà Bộ Công Thương đưa ra tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 tăng khoảng 6% so với năm 2022, vì vậy cùng với việc các doanh nghiệp trong các lĩnh vực xuất khẩu đang nỗ lực tìm đối tác mới, đa dạng mặt hàng xuất khẩu, Bộ cũng sẽ hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, xuất khẩu bền vững.

Một trong những giải pháp được Bộ Công Thương đặt ra để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa là tăng cường tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới để đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường theo hướng ưu tiên triển khai các đề án, hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào với các thị trường sớm khôi phục giai đoạn hậu COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu trong hoạt động xúc tiến thương mại cần phương châm giữ vững thị trường truyền thống nhưng phải phát triển được những thị trường mới, nhất là thị trường tiềm năng ở khu vực châu Á như: Tây Á, Nam Á, châu Phi, Mỹ la tinh. Tiếp tục nâng cao hiệu quả Chương trình Thương hiệu quốc gia thông qua các hoạt động nâng cao năng lực xúc tiến thương mại gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển xuất khẩu bền vững giúp doanh nghiệp Việt Nam từng bước thâm nhập sâu vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong khi đó, đứng ở góc độ chuyên gia ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đã đến lúc cần đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình thực thi các FTA. Cách thức hỗ trợ phải xuất phát từ những vấn đề thực tế của doanh nghiệp. Phải tìm hiểu xem nhu cầu của các doanh nghiệp cụ thể ra sao, cần cung cấp thông tin về vấn đề gì, với từng nhóm doanh nghiệp theo quy mô, theo ngành nghề ra sao... Bên cạnh đó, cần phải tạo được một cơ chế kết nối, phối hợp giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương; giữa các cơ quan nhà nước với các hiệp hội doanh nghiệp. Bởi rõ ràng hiện nay vẫn còn có khoảng cách rất lớn giữa nhu cầu của các doanh nghiệp và khả năng, mức độ đáp ứng hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cơ hội từ các FTA.

Còn TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI, nhấn mạnh rằng các lợi thế từ FTA, đặc biệt là các ưu đãi thuế quan tiếp tục được mở rộng theo lộ trình trong thời gian tới, có thể là một công cụ hỗ trợ đặc biệt quan trọng cho các DN Việt Nam, tạo ra lợi thế cạnh tranh để có thể tiếp tục giữ và mở rộng thị phần ở các thị trường này. 

Giới chuyên gia cho rằng, nên thiết lập Chương trình đánh giá định kỳ hàng năm về hiệu quả thực thi các FTA một cách toàn diện qua đó nhận diện và xử lý kịp thời các vấn đề cản trở việc tận dụng hiệu quả các FTA.

Trong đó, tập trung đánh giá công tác thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính liên quan tới các hoạt động thực thi FTA (đặc biệt là các thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành; cấp giấy chứng nhận xuất xứ FTA; và cấp phép và quản lý đầu tư).

Đánh giá tình hình thực thi FTA của doanh nghiệp (đặc biệt là về mức độ hiểu biết, khả năng tận dụng, ảnh hưởng của các FTA, các lực cản trong thực thi FTA của doanh nghiệp).

Có thể thấy, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc tìm cơ hội nắm bắt tốt tín hiệu thị trường và tận dụng được những lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết, cùng với đó là sự linh hoạt xây dựng và củng cố thương hiệu sản phẩm sẽ là chiếc “chìa khóa” giúp doanh nghiệp có thể phát triển bền vững thích ứng trong mọi hoàn cảnh./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực