Phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm

Bài 1: Cán bộ dám nghĩ, dám làm tạo đột phá trong tăng trưởng kinh tế
Thứ ba, 16/05/2023 10:06
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Để vực dậy tăng trưởng đối với nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, cùng với các giải pháp đột phá về chính sách, về công nghệ, về thị trường hay về nguồn vốn…thì giải pháp về con người được xem là yếu tố vô cùng quan trọng. Chúng ta đang rất cần những cán bộ, công chức có tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước và là trung tâm đối với nhiều lĩnh vực. Từ năm 2011-2019, Thành phố đạt mức tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 10%/năm. GDP của Thành phố chiếm khoảng 23% GDP của cả nước; đóng góp 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 1/5 kim ngạch xuất khẩu; trên 30% tổng thu ngân sách nhà nước; đóng góp trên 66% GRDP cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

  Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, TP Hồ Chí Minh rất cần phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, khơi dậy các nguồn lực tạo bứt phá trong phát triển kinh tế. Ảnh: VL

Trong năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh COVID-19 song với sự nỗ lực của các cấp các ngành, sự chung sức đồng lòng của người dân trên địa bàn, sự giúp đỡ ủng hộ của bạn bè trong và ngoài nước, TP Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP của Thành phố đạt 9,03% (cả nước 8,02%); đóng góp 15,6% GDP (thứ 1/63); Thu ngân sách Nhà nước đạt trên 471.000 tỷ đồng chiếm 30% tổng thu cả nước (thứ 1/63); Thu nhập bình quân đầu người 6.770 USD/người (thứ 6/63); Vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực đạt 56,5 tỷ USD (thứ 1/63); xuất khẩu đạt 49,5 tỷ USD (thứ 1/63).

Tuy nhiên, kết quả trên thực tế hiện nay, các chuyên gia kinh tế cũng như lãnh đạo Thành phố đều cho rằng, tiềm năng, lợi thế của Thành phố chưa được khai thác hiệu quả. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm. Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa thật sự bền vững; sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế. Đặc biệt, trong quý I/2023, tốc độc tăng trưởng GRDP của Thành phố chỉ đạt 0,7%.  Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, đưa TP Hồ Chí Minh về danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước. Nhiều người cho rằng, đối với một nền kinh tế đầu tàu của cả nước, mức tăng trưởng này rất đáng lo ngại.

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với TP Hồ Chí Minh mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho rằng sự tăng trưởng và phục hồi kinh tế của TP Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất lớn và quan trọng đối với tăng trưởng chung của cả nước. Do vậy, đà tăng trưởng của TP Hồ Chí Minh liên tục giảm cần phải tìm nguyên nhân để tháo gỡ.

Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới mức tăng trưởng kinh tế của Thành phố hiện nay. Trong đó, về mặt khách quan, TP Hồ Chí Minh có độ mở rất cao, độ nhạy cảm gần như đồng thời với thế giới, do đó Thành phố chịu ảnh hưởng, tác động ngay các yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. Trong giai đoạn hiện nay, kinh tế thế giới cũng đang trên đà chững lại, nhiều lĩnh vực bị giảm với không ít doanh nghiệp lớn phải chấp nhận thu hẹp sản xuất thậm chí buộc phải phá sản, đóng cửa. Thực tế này đã tác động không nhỏ tới kinh tế Thành phố, khiến cho Thành phố khó xoay chuyển theo mong muốn về mức tăng trưởng như mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Tuy nhiên, không chấp nhận cái khó đó, lãnh đạo Thành phố đã tổ chức nhiều cuộc họp với tinh thần cầu thị, lắng nghe, nhìn thẳng vào những hạn chế để tìm hướng đi tạo đột phá, phát huy sức mạnh nội lực. Cùng đồng hành với Thành phố, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương cũng đã vào cuộc, phối hợp để sớm có giải pháp hiệu quả.

Theo đánh giá chung, hạn chế ở đây chính là tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt mức thấp; sự chậm trễ giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp mà chủ yếu là các vướng mắc khó khăn trong thủ tục đầu tư, quy định chồng chéo khiến cán bộ thụ lý e dè khi quyết định, nhất là trong bối cảnh nhiều vụ việc tiêu cực được phát hiện, xử lý. Có nơi, cán bộ do sợ sai sót trong thực hiện nhiệm vụ thậm chí né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; là sự phối hợp chưa nhịp nhàng giữa các bộ phận, sở ngành…

Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, TP Hồ Chí Minh rất cần phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và cùng các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các Bộ, ngành xử lý 29 đề xuất, kiến nghị trên tinh thần Chính phủ đồng hành cùng Thành phố giải quyết các khó khăn, vượt qua các thách thức, tự tin, vững bước đi lên. Trong đó, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm và triển khai các biện pháp liên quan tới cán bộ, tạo môi trường, hành lang an toàn cho cán bộ làm việc, động viên, khuyến khích người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung; Xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan tới cán bộ, khen thưởng, kỷ luật kịp thời.

 Các chuyên gia kinh tế cũng như lãnh đạo Thành phố đều cho rằng, tiềm năng, lợi thế của Thành phố chưa được khai thác hiệu quả. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm và Thành phố cần có những giải pháp để tận dụng các cơ hội của mình. Ảnh: VL

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 lần thứ 20 vừa được diễn ra tháng 4/2023, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã đề nghị Thành phố làm sao khuyến khích cán bộ, khơi dậy khát vọng cống hiến sáng tạo. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nghĩ về danh dự, bổn phận của mình, trước mắt là làm đúng phận sự được giao, làm hết việc.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, thực tế tại nơi này nơi khác cũng có một bộ phận cán bộ e dè, né tránh theo kiểu “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước vành móng ngựa”. Chuyện sợ vi phạm cũng có điểm tích cực là sợ để tránh nhưng sợ mà không làm gì là hơi quá.

Người đứng đầu Đảng bộ Thành phố cũng cho biết, “sẵn sàng chịu trách nhiệm” với những cán bộ có hành động vì dân, vì nước, đàng hoàng, không có động cơ cá nhân. Người cán bộ phải đúng vai thuộc bài, trong thẩm quyền phải giải quyết, băn khoăn thì báo cáo, hỏi và vượt thẩm quyền thì báo cáo lên cấp trên, dứt khoát phải trả lời, không để người dân, doanh nghiệp chờ.

Hiện lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đang kêu gọi, khơi dậy tinh thần sáng tạo, xông pha của cán bộ, đảng viên, không chỉ thực hiện chi thu nhập tăng thêm, đến thực hiện chính sách khen thưởng, khuyến khích, động viên cán bộ mà còn nỗ lực cụ thể hóa Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Khơi dậy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm của cán bộ, công chức không chỉ riêng đối với TP Hồ Chí Minh, mà trong bối cảnh hiện nay đó là tinh thần chung cần khơi dậy trong đội ngũ cán bộ ở các địa phương trong cả nước, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đã cho rằng một trong những vấn đề quan trọng là làm sao để cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm. Đây là giải pháp quan trọng để vực dậy tăng trưởng cho các địa phương.

Để vực dậy tăng trưởng đối với nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, cùng với các giải pháp đột phá về chính sách, về công nghệ, về thị trường hay về nguồn vốn…thì giải pháp về con người được xem là yếu tố vô cùng quan trọng. Chúng ta đang rất cần những cán bộ, công chức có tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm./.

 

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực