Vai trò của Thừa phát lại trong đời sống xã hội

Thứ năm, 20/11/2014 15:26

(ĐCSVN)Sáng 20/11, tại Hà Nội, Báo điện tử Pháp luật và Xã hội tổ chức Giao lưu trực tuyến "Thừa phát lại - Vai trò trong đời sống xã hội".

Chế định Thừa phát lại đã có từ lâu và hiện đang được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Ở Việt Nam, chế định Thừa phát lại đã tồn tại trong suốt thời kỳ Pháp thuộc và những năm đầu của chính quyền Cách mạng. Sau một thời gian dài vắng bóng, từ năm 2010, chế định này được nghiên cứu, thực hiện thí điểm tại TP Hồ Chí Minh như một giải pháp hỗ trợ cho công tác thi hành án dân sự.

Hiện nay, chế định thừa phát lại đang được triển khai thí điểm tại 12 địa phương trong cả nước. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 8 văn phòng thừa phát lại được thành lập.

Tuy nhiên, với nhiều người dân, thậm chí không ít cơ quan, tổ chức vẫn còn xa lạ với hoạt động của các Thừa phát lại.

 

Giao lưu trực tuyến "Thừa phát lại - Vai trò trong đời sống xã hội".
 (Ảnh: TH)
.


Tại buổi giao lưu, đại diện Tổng Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đã giải đáp những băn khoăn của bạn đọc về khái niệm, chức năng thẩm quyền của Thừa phát lại.

Theo đó, Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và một số công việc khác.

Theo quy định, Thừa phát lại được thực hiện 4 nhiệm vụ chính: Tống đạt văn bản giấy tờ của Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án.

Theo quy định hiện hành thì Thừa phát lại được làm nhiều việc hơn Chấp hành viên (ngoài chức năng thi hành án, Thừa phát lại còn tống đạt văn bản của Tòa án, lập vi bằng). Đây là những chức năng vốn có của Thừa phát lại đã từng tồn tại ở nước ta trước đây và hiện nay tại một số quốc gia khác. Tuy nhiên, trong lĩnh vực thi hành án, chức năng thi hành án của Thừa phát lại hẹp hơn so với Chấp hành viên.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng đã hướng dẫn một số bạn đọc về cách thức, trường hợp, nội dung lập vi bằng. Theo ông Thắng: Điều 25 Nghị định 135/2013/NĐ-CP quy định về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng như sau: “Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định này; các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Thừa phát lại được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại”.

Lập vi bằng có thể được thực hiện nếu bạn cần tạo lập một chứng cứ về hành vi giao nhận tiền, bàn giao nhà đất, bàn giao giấy tờ...

Trước băn khoăn của một bạn đọc tại Hà Nội về vi bằng và văn bản công chứng khác nhau thế nào? Cái nào có giá trị pháp lý cao hơn?, ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình (Hà Nội) cho biết: Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác. Văn bản công chứng là văn bản do Công chứng viên thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng nhằm chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch. Do vậy, không thể nói Vi bằng hay Văn bản công chứng, văn bản nào có giá trị pháp lý cao hơn.../.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực