VKSND tối cao giải đáp, hướng dẫn về khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát THADS

Thứ hai, 13/03/2023 10:39
(ĐCSVN) - VKSND tối cao (Vụ 11) vừa ban hành Công văn số 606/VKSTC-V11 giải đáp, hướng dẫn một số khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính (THADS, THAHC) để Viện kiểm sát các cấp nghiên cứu, thực hiện.

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của VKSND các địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác kiểm sát THADS, THAHC; sau khi trao đổi với Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp; Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14) - VKSND tối cao; VKSND tối cao (Vụ 11) vừa ban hành Công văn số 606/VKSTC-V11 giải đáp, hướng dẫn đối với một số khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực công tác nêu trên.

Cán bộ, công chức ngành Kiểm sát trao đổi công tác nghiệp vụ.
(Ảnh minh hoạ: Nguồn BVPL). 

Có VKS nêu câu hỏi: "Luật THADS quy định Cơ quan THADS phải gửi cho VKS Quyết định chưa có điều kiện THA nhưng không quy định phải gửi kèm Biên bản xác minh gần nhất cho VKS. Việc phối hợp giữa Kiểm sát viên (KSV) và Chấp hành viên (CHV) để photo hoặc cung cấp Biên bản xác minh gần nhất gặp nhiều khó khăn".

Nội dung trên, theo trả lời của VKSND tối cao (Vụ 11): Sau khi nhận được quyết định chưa có điều kiện THA của Cơ quan THADS cùng cấp mà VKS xét thấy cần phải nghiên cứu hồ sơ vụ việc để kiểm sát thì VKS yêu cầu Cơ quan THADS chuyển hồ sơ, tài liệu (Biên bản xác minh gần nhất, có căn cứ xác định người phải THA chưa có điều kiện THA) theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014, điểm b khoản 2 Điều 12 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Điều 4 Quy chế công tác kiểm sát THADS, THAHC (Ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC-V11 ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao).

VKSND các cấp cần chủ động phối hợp với Cơ quan THADS cùng cấp thống nhất đưa vào Quy chế phối hợp liên ngành của hai cơ quan nội dung: "Cơ quan THADS ban hành và gửi Quyết định chưa có điều kiện THA kèm theo Biên bản xác minh gần nhất, có căn cứ xác định người phải THA chưa có điều kiện thi hành cho VKS”.

Đối với cây hỏi: "Trường hợp tài sản sau khi đã kê biên, xử lý đang được bảo quản và trả phí gửi giữ, bảo quản thì có quyết định của cơ quan có thẩm quyền đề nghị hoãn THA để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án. Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 48 Luật THADS, Thủ trưởng Cơ quan THADS ra Quyết định hoãn thi hành. Sau khi người có thẩm quyền xem xét và ra văn bản trả lời không kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định nêu trên thì vụ việc được tiếp tục đưa ra thi hành. Vậy chi phí gửi giữ, bảo quản tài sản trong thời gian hoãn THA sẽ do cá nhân, cơ quan nào chi trả?", VKSND tối cao (Vụ 11) cho biết: Tại khoản 3 Điều 58 Luật THADS quy định: Thù lao và chi phí bảo quản tài sản do người phải THA chịu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Theo quy định trên, thì chi phí gửi giữ, bảo quản tài sản THA do người phải THA chịu (thường thì là người có tài sản gửi giữ). Tuy nhiên, đối với trường hợp người đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm không phải là người phải THA (trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan), nhưng theo quy định trên thì người phải THA vẫn phải chịu chi phí bảo quản tài sản trong thời gian hoãn THA là chưa phù hợp, gây thiệt hại cho người phải THA.

Do vậy, VKSND tối cao (Vụ 11) sẽ tổng hợp để đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật THADS cho phù hợp./.

Anh Vy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực