Xây dựng các văn bản phù hợp với quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020

Thứ ba, 16/03/2021 10:02
(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đề nghị, Tổng cục Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
 Ảnh minh họa. Nguồn: TH

Ngày 12/3, Bộ TN&MT họp trực tuyến về công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan để xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14.

Theo ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng về rà soát, đánh giá các quy định pháp luật có liên quan phục vụ xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Tổng cục đã trình Bộ trưởng ban hành Quyết định số 413/QĐ-BTNMT ngày 09/3/2021 về kế hoạch triển khai thi hành Luật; theo đó, đã phân công các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ tổ chức rà soát văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực được giao phụ trách; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường; kết quả rà soát gửi về Tổng cục Môi trường trong tháng 06/2021 để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng; tổng số văn bản Tổng cục Môi trường đã rà soát là 65 văn bản, gồm 26 Luật và Bộ Luật; 25 Nghị định của Chính phủ; 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 11 Thông tư; 02 Thông tư liên tịch.

Kết quả rà soát bước đầu cho thấy, một số quy định của pháp luật hiện hành có nội dung chưa thống nhất hoặc có thể không phù hợp với nội dung của Luật Bảo vệ môi trường như các quy định về danh mục dự án phải thực hiện Đánh giá tác động môi trường (ĐTM), kế hoạch bảo vệ môi trường tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP; nội dung xác nhận hoàn thành từng phần chưa gắn với đóng cửa mỏ từng phần tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP quy định đối tượng lập lại phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản là chưa phù hợp; các quy định pháp luật liên quan đến các nội dung quan trắc tự động, vận hành thử nghiệm, quản lý chất thải; quy định về ký quỹ khai thác khoáng sản; quy định về sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường…

Để bảo đảm tiến độ, chất lượng của Báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hiện nay, Tổng cục Môi trường đã phân công các đơn vị thuộc Tổng cục thực hiện đồng thời, vừa soạn thảo nội dung Nghị định vừa rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Tổng cục Môi trường cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ được phân công soạn thảo một số nội dung Nghị định là Vụ Pháp chế, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Cục Quản lý tài nguyên nước, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và các đơn vị có liên quan thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tiến độ, chất lượng và gửi kết quả rà soát về Tổng cục Môi trường theo phân công của Bộ trưởng.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan phục vụ xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường là rất quan trọng nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Thứ trưởng đánh giá cao Tổng cục Môi trường đã xây dựng phần mềm cung cấp thông tin nội bộ để phục vụ công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật các đơn vị trong Bộ, giúp tiết kiệm thời gian, cập nhật tiến độ và phát huy trí tuệ của các đơn vị để cùng nhau thảo luận, chia sẻ thông tin, nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công.

Thứ trưởng đề nghị, trên cơ sở báo cáo kết quả rà soát của các đơn vị, Tổng cục Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo văn bản cần yêu cầu đơn vị phối hợp thuộc Bộ cung cấp thông tin, phân công công việc cụ thể. Các nhóm soạn thảo phải gửi báo cáo Lãnh đạo Bộ về những vấn đề còn mới và khó để đưa ra thảo luận vào cuộc họp tiếp theo, nhằm xây dựng chính sách phù hợp, khả thi và đi vào cuộc sống.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực