Xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, rượu, bia

Thứ năm, 25/09/2014 14:39

(ĐCSVN)Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có điều chỉnh thuế đối với rượu, bia và thuốc lá...

 

 Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 25/9 (Ảnh: Kim Thanh)

Tăng thuế để hạn chế tiêu dùng

Sáng 25/9, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Theo Chính phủ, thuốc lá, rượu, bia là những mặt hàng mà việc tiêu thụ gây ra nhiều tác hại đối với người tiêu dùng và xã hội. Do vậy, Chính phủ đề nghị đối với 03 nhóm hàng hóa là thuốc lá, bia và rượu cần điều chỉnh tăng thuế suất để hạn chế tiêu dùng.

Cụ thể, Chính phủ đề xuất lộ trình tăng thuế đối với thuốc lá như sau: từ ngày 01/01/2016 tăng từ 65% lên 70%; từ ngày 01/01/2019 tăng từ 70% lên 75%.

Đối với mặt hàng bia, Chính phủ đề xuất tăng theo lộ trình: từ ngày 01/7/2015 tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 01/01/2017 tăng lên 60%; từ ngày 01/01/2018 tăng lên 65%.

Đối với rượu, Chính phủ đề nghị tăng từ mức thuế suất 50% lên thuế suất 65% (tăng 15%) đối với rượu từ 20 độ trở lên; tăng từ mức thuế suất 25% lên thuế suất 35% (tăng 10%) đối với rượu dưới 20 độ.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ước tính, với mức tăng này, sẽ làm tăng số thu ngân sách nhà nước từ thuế TTĐB thuốc lá, rượu, bia như sau: nửa năm 2015 tăng 605 tỷ đồng, năm 2016 tăng 2.625 tỷ, năm 2017 tăng 4.100 tỷ, năm 2018 tăng 5.955 tỷ, năm 2019 tăng 8.570 tỷ.

Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban này đồng tình với việc cần phải tăng mức thuế suất TTĐB với các mặt hàng trên, tuy nhiên nhiều ý kiến đề nghị mức tăng cao hơn và điều chỉnh lộ trình tăng thuế.

Cụ thể, đối với thuốc lá, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị điều chỉnh lộ trình tăng thuế suất như sau: tăng thuế suất thuế TTĐB từ 65% lên 70% từ ngày 01/01/2016 đến 31/12/2017 (thay vì 31/12/2018) và tăng từ 70% lên 75% áp dụng từ ngày 01/01/2018 (thay vì 01/01/2019). Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị cần cần thiết phải điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá ở mức cao hơn (85% và lộ trình trong 2 năm).

Đối với bia, Thường trực Ủy ban TCNS đồng tình với quy định của Dự thảo luật tăng thuế suất thuế TTĐB có lộ trình 3 năm, song thời điểm thi hành từ ngày 01/01/2016 thay cho thời điểm 01/7/2015 như đề xuất của Chính phủ, theo đó: từ ngày 01/01/2016 tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 01/01/2017 tăng lên 60%; từ ngày 01/01/2018 tăng lên 65%.

Đối với rượu, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ nghiên cứu, điều chỉnh về nồng độ cồn của rượu dưới 20 độ xuống dưới 14 độ, vì hiện nay nồng độ cồn của bia thấp nhưng lại phải chịu thuế suất cao hơn rất nhiều so với rượu dưới 20 độ, trong khi nhiều dòng rượu dưới 20 độ lại có nồng độ tương đương với bia. Theo đó, điều chỉnh hai dòng rượu là: rượu từ 14 độ trở lên và rượu dưới 14 độ.

Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị: Chính phủ cần tổng kết, đánh giá tính khả thi trong thu thuế TTĐB đối với rượu nấu trong dân cư. Đồng thời, tăng cường các biện pháp chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đối với mặt hàng rượu.

Bên cạnh ý kiến của Ủy ban TCNS như trên, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội có Công văn số 3185/UBCVĐXH13 ngày 09/9/2014 gửi Ủy ban TCNS đề nghị: Rượu từ 20 độ trở lên: tăng từ 50% lên 70%; rượu dưới 20 độ: tăng từ 25% lên 40%; bia: tăng từ 50% lên 70%; thuốc lá: đến năm 2015 tăng từ 65% lên 75% và đến năm 2018 tăng lên 90%.

Lo ngại gia tăng tình trạng buôn lậu

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến lo ngại dự thảo Luật dự kiến tăng thuế suất đối với thuốc lá, dẫn đến việc làm gia tăng tình trạng buôn lậu, trốn thuế và như vậy làm hạn chế kết quả định hướng tiêu dùng mặt hàng này của nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án Luật.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải tình trạng buôn lậu thuốc lá ở Việt Nam hết sức nhức nhối. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lo lắng, “hiện nay, tình trạng buôn lậu thất thoát từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng cho thuế, nếu tăng thuế theo mức đề nghị của Ủy ban TCNS và Ủy ban các vấn đề xã hội sẽ vô hình chung đẩy buôn lậu tăng”.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Buôn lậu là việc riêng thuộc về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước. Buôn lậu gia tăng, chúng ta phải xem chúng ta đã làm hết trách nhiệm hay chưa? “Không thể vì lý do buôn lậu tăng, không chặn được buôn lậu mà không tăng thuế tiêu thụ đặc biệt những mặt hàng nhiều tác hại đến người dân” – Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói.

Báo cáo đánh giá tác động Dự án Luật kèm theo Tờ trình của Chính phủ cũng khẳng định, chênh lệch về giá là một trong những nguyên nhân dẫn đến buôn lậu nên tăng thuế khiến tăng giá sẽ có ảnh hưởng nhất định đến tình hình buôn lậu. Tuy nhiên đối với thuốc lá, ngoài yếu tố giá, buôn lậu thuốc lá còn được quyết định bởi nhiều yếu tố khác như: sở thích của người hút thuốc đối với thuốc lá lậu và sự chấp nhận của công chúng đối với các sản phẩm thuốc lậu (vì giá thuốc lá nhập lậu ở Việt Nam thường cao hơn so với giá thuốc lá cùng loại sản xuất trong nước); sức mạnh và hiệu quả của việc kiểm soát buôn lậu.

Chính phủ cũng cho hay, thực tiễn thời gian qua thuế suất thuốc lá không tăng nhưng buôn lậu vẫn gia tăng theo báo cáo của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam. Mặt khác, theo kinh nghiệm một số nước khi thực hiện điều chỉnh tăng thuế TTĐB cho thấy, việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá không phải là nguyên nhân làm gia tăng buôn lậu.

Ở nước ta, do điều kiện tự nhiên đất nước ta có bờ biển và đường biên giới dàn trải, địa hình phức tạp khiến cho công tác phòng chống buôn lậu, quản lý thị trường gặp nhiều khó khăn. Chính phủ khẳng định: Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, nếu công tác phòng chống buôn lậu, quản lý thị trường toàn diện, hiệu quả sẽ đẩy lùi buôn lậu và góp phần nâng cao hiệu quả thực thi chính sách thuế TTĐB. Thụy Điển là nước có giá thuốc lá cao nhưng có tỷ lệ buôn lậu thấp nhất thế giới. Ma-lai-xia năm 2004 tăng thuế thuốc lá lên mức 55%, nhưng buôn lậu năm 2004 giảm 29%./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực