Thượng tôn pháp luật, thúc đẩy thực thi dự án lớn

Thứ ba, 20/06/2023 13:37
(ĐCSVN) – Việc Quốc hội sớm tiến hành giám sát tối cao đối với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ có tác động tích cực đối với trách nhiệm, ý thức kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật của các cấp, ngành, địa phương và mỗi tập thể, cá nhân, người đứng đầu tham gia dự án.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra thực địa việc triển khai Dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô tại huyện Thanh Oai. 

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Theo đó, Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, trong đó có Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 6/6/2022 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội đặt ra mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8km, bao gồm: 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài-Hạ Long. Đoạn trên địa bàn Hà Nội khoảng 58,2km, đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3km và đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3km.

Ngày 18/8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết triển khai chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô, yêu cầu 3 địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần, hoàn thành trước ngày 31/1/2023; đảm bảo khởi công tuyến đường vào tháng 6/2023.

Xác định tầm quan trọng của Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Dự án, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đề nghị các địa phương thể hiện sự quyết tâm cao, tinh thần đoàn kết, tập trung, đồng bộ trong chỉ đạo thực hiện. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong triển khai dự án. Tổ chức thực hiện nhanh, hiệu quả, chuẩn mực từng nội dung có liên quan đến địa phương mình, đảm bảo tiến độ chung của toàn bộ dự án.

Triển khai thực hiện, Chủ tịch 3 địa phương quyết định lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và phê duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Các địa phương được áp dụng hình thức chỉ định thầu với gói tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư liên quan đến các dự án thành phần bằng vốn đầu tư công trong hai năm. Chính phủ cho phép triển khai đồng thời một số việc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

Các thủ tục cũng được triển khai đồng thời để rút ngắn thời gian thực hiện, gồm thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu.

Là dự án mang tầm vóc liên vùng nên tính kết nối - phân vai giữa các địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tiến độ, cũng như sự hỗ trợ đồng bộ về mọi mặt để đạt chất lượng và hiệu quả cao nhất.

Cách giải nút thắt khâu vật liệu xây dựng cho dự án là một ví dụ. Người đứng đầu Đảng bộ thành phố Hà Nội với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Dự án đã có buổi làm việc với UBND các tỉnh, thành phố và các sở, ngành về mỏ vật liệu phục vụ thi công Dự án. Theo đó, để bảo đảm tiến độ triển khai dự án, Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội phối hợp với Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải - TEDI và các tỉnh có liên quan rà soát, xây dựng phương án về các mỏ vật liệu xây dựng để đưa vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án. Trong hồ sơ khảo sát phải thể hiện đầy đủ địa chỉ cụ thể từng mỏ, từng vị trí, công suất, khả năng khai thác, cung cấp sản lượng theo tiến độ dự án, bảo đảm nguyên tắc ưu tiên tối đa sử dụng các mỏ gần nhất, dễ khai thác nhất và có giá thành rẻ nhất.

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại 4 điểm trên địa bàn vào ngày 25/6 tới. Một trong những thành quả lớn nhất cho đến khi dự án khởi công, đó chính là sự đồng thuận của người dân, qua tỷ lệ thu hồi mặt bằng đạt hơn 80%, nhờ mức đền bù tiệm cận giá thị trường, niêm yết minh bạch, hồ sơ và thủ tục tiến hành nhanh, gọn. Đi cùng với đó là Hà Nội cũng chuẩn bị quỹ nhà tái định cư, quỹ căn hộ chung cư và các chính sách để đảm bảo chất lượng cuộc sống, ổn định cho người dân bị thu hồi đất ở dự án. Đây là thành công bước đầu rất quan trọng, nhưng cũng đặt ra những khó khăn, thách thức mới lớn hơn trên con đường đưa dự án về đích.

Sau cùng và trên hết của mọi dự án là phục vụ lợi ích chính đáng của người dân; đầu tư, mở rộng, liên thông các dự án hạ tầng - giao thông đến đâu là thúc đẩy, phát triển, nâng cao đời sống “an cư”, cơ hội “lạc nghiệp” của người dân, doanh nghiệp đến đó. Đó là con đường ngoài nỗ lực tự thân của 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên thì sự quan tâm đồng hành, hỗ trợ của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ là nhân tố quyết định thành công của dự án quan trọng này.

Mặt khác, Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án trọng điểm quốc gia, kết nối Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng. Những “tiền lệ” tích cực, những điểm sáng đầu tiên về mặt cơ chế - hạ tầng - nhân lực… của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ mở ra một quy trình pháp lý chặt chẽ, một lộ trình thực thi thông thoáng không chỉ cho các dự án hạ tầng đô thị quan trọng của thành phố Hà Nội, các tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên sắp tới mà còn cho thực tiễn trên cả nước.

Muốn thế, điều quan trọng là các cấp, ngành, địa phương và đông đảo tập thể, cá nhân liên quan phải theo sát tình hình triển khai dự án tới từng cơ sở, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên, cụ thể để phòng ngừa sai sót, không để sai sót thành vi phạm, không để vi phạm nhỏ thành vi phạm lớn. Khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm hiệu quả răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung; nhất là phải bảo đảm không xảy ra vi phạm pháp luật, tham ô, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...

Trong quá trình đó, các cấp ủy Đảng và Ủy ban Kiểm tra cấp ủy các cấp, nhất là 7 quận, huyện của Hà Nội có dự án đi qua tiếp tục cụ thể hóa chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng về yêu cầu Ủy ban Kiểm tra cấp ủy vào cuộc ngay từ đầu để phòng ngừa sai phạm trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Các ngành Thanh tra, Công an cần có kế hoạch đồng hành với dự án từ sớm để phòng ngừa vi phạm...

Và chúng ta tin tưởng với việc Quốc hội sớm tiến hành giám sát tối cao đối với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ có tác động tích cực đối với trách nhiệm, ý thức kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật của các cấp, ngành, địa phương và mỗi tập thể, cá nhân, người đứng đầu tham gia dự án./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực